Ngành du lịch đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi khi Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, tận dụng triệt để các điều kiện này vẫn đang là bài toán không dễ đối với ngành du lịch, người làm du lịch.

“Chính sách visa thông thoáng được thông qua đúng lúc, đúng thời điểm là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp trong mùa du lịch quốc tế năm nay. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chuyên về khách quốc tế đang rất hào hứng và kỳ vọng vào sự tăng trưởng cao cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Về lâu dài, với sự thông thoáng hơn về chính sách visa, doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhất là sản phẩm giàu tính trải nghiệm để giữ du khách ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn và vui hơn khi đến Việt Nam. Đây là khẳng định của Giám đốc Luxury Travel - ông Phạm Hà về khi trao đổi với chúng tôi về những cơ hội của du lịch Việt hiện nay.

Chinh_sach_visa-1688859755274
Khách du lịch quốc tế tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết doanh nghiệp này chỉ có thương hiệu và con người, không có tài sản đảm bảo nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay hay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19 còn khó khăn.

Nếu thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì Việt Nam nên có các ban chuyên trách để giúp du lịch Việt Nam phục hồi nhanh hơn theo đúng Nghị quyết 82 của Chính phủ. Những thay đổi của về chính sách, điểm đến, sản phẩm du lịch sau đại dịch cần được truyền thông ra quốc tế kịp thời, hiệu quả.

“Hiện nay, chúng ta thiếu vắng cơ quan quản lý điểm đến. Nhiều nơi quá tải, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Quá đông khách tại một điểm đến sẽ không tốt cho du lịch. Ngoài ra, chính sách chuyển đổi số áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý điểm đến từ trung ương đến địa phương còn rất thiếu và yếu. Ví dụ, chúng tôi kinh doanh dịch vụ ở trong vịnh Hạ Long, du thuyền đến điểm đến nào đó, thuyền trưởng vẫn phải cầm lịch trình đến trình cơ quan địa phương là chúng tôi đã đến điểm đó. Trong khi với GPS, với công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát việc đến vị trí đấy, nằm ở đúng vị trí đấy hay không?” – ông Phạm Hà phân tích.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng, sản phẩm du lịch đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Với chính sách visa mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng lên đến 90 ngày. Theo quy định mới, công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang rất lo lắng vì trong thời gian khách lưu trú 45 ngày tại Việt Nam, người làm du lịch phải có sản phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách, phải có gì cho họ xem, khiến họ thích thú để ở lại nhiều ngày và còn muốn quay trở lại trong thời gian tới.

Về mặt giải pháp, theo ông Bình, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cần phải có sự nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương, các ngành nghề liên quan. Tuy nhiên, những người làm du lịch phải đi trước, tạo động lực để lôi cuốn các ngành nghề khác. Sau đại dịch, nhu cầu du lịch thay đổi. Mỗi doanh nghiệp phải tìm kiếm, xây dựng sản phẩm phù hợp.

Đồng quan điểm về sự thông thoáng của chính sách visa tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế tăng tốc phục hồi, ông Nguyễn Trung Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Các chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam là mong muốn rất lâu, được ngành du lịch Việt Nam và các cơ quan liên quan đã kiến nghị nhiều năm trước.

Việc Quốc hội điều chỉnh chính sách cấp thị thực điện tử và tăng thời hạn lưu trú của khách quốc tế thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Đảng, Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan trong phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tạo nên chính sách mang tính chất đột phá trong tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và nâng tầm, tạo năng lực cạnh tranh cho du dịch Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội tốt để tạo những sản phẩm du lịch mới, kéo dài hơn, thu hút khách từ các thị trường du lịch có mức chi trả cao, ở lại lâu hơn cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn, trên cơ sở đó tạo sức hút cho các điểm đến của Việt Nam đối với một số thị trường du lịch mục tiêu, thị trường mới mà ngành du lịch nỗ lực xúc tiến quảng bá thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, sự thông thoáng về chính sách visa mới chỉ là điều kiện cần. Để nâng cao vị thế cạnh tranh, tăng sức hút của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta phải có một loạt các giải pháp đồng bộ. Ngành du lịch phải có sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Hoạt động xúc tiến quảng bá phải bài bản hơn, mạnh mẽ hơn.

Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đi lại khi đi du lịch Việt Nam phải tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng về số lượng và chất lượng, từ đó đáp ứng được chất lượng dịch vụ cung cấp cho du khách.

Theo CAND