Từ ngày 15/1 người dân được giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ bằng năm phương thức, trong đó có ghi âm, ghi hình.

Ngoài ghi âm ghi hình, còn có 4 hình thức giám sát khác

Thông tư 67/2019 của bộ Công an về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nêu rõ người dân được ghi âm, ghi hình và quan sát trực tiếp, nhưng ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuân thủ pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, bộ Công an còn quy định thêm bốn hình thức giám sát khác của người dân với cảnh sát giao thông gồm: Thông qua thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các sự việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...

 

Phân tích về quy định trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Thông tư 67/2019 là một trong những quy định giúp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực của lực lượng CAND khi thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có CSGT, thể hiện sự dân chủ trong hoạt động thực thi pháp luật. Điều đó cho thấy, khi xây dựng dự thảo thông tư, bộ Công an đã lắng nghe những ý kiến góp ý để điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, về địa điểm quay phim, người dân phải tuân thủ thực hiện theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các khu vực, địa điểm cấm, gồm các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, CAND....

Ngoài ra, việc ghi âm ghi hình phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT. Khu vực đảm bảo ATGT được xác định là nơi giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT.

Bên cạnh đó, khi người dân ghi âm ghi hình phải đảm bảo an toàn đến bản thân mình và không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác, không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT hoặc nhiệm vụ truy bắt tội phạm.

Đặc biệt, người tham gia quay phim, ghi hình giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính trung thực, khách quan của thông tin giám sát, phát tán thông tin theo quy định của pháp luật.

Nếu có hành vi cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015.

Người dân không được cản trở hoạt động của cảnh sát

Đại diện cục Cảnh sát giao thông, bộ Công an giải thích khu vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát là khu được chăng dây, như các chốt cảnh sát giao thông, lực lượng 141, khu tạm giữ phương tiện, kiểm tra người vi phạm... Với các khu vực này, người dân được đứng ở ngoài ghi hình, nhưng không làm cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của cảnh sát.

"Nếu người dân cố tình vi phạm, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, cảnh sát có quyền yêu cầu ra ngoài, nếu chống đối có thể bị cưỡng chế", đại diện cục Cảnh sát giao thông cho biết thêm.

Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Lưu Xá. TP.Thái Nguyên cho biết, là một lái xe đường dài, tôi ủng hộ thông tư này. Tuy nhiên, tôi ghi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức chấp hành khi đi trên đường, chứ không phải chăm chăm vào việc ghi âm, ghi hình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Mọi công dân đều phải tuân thủ luật pháp, trong việc ghi âm, ghi hình cũng có những quy định cụ thể, người dân cũng cần tìm hiểu khi áp dụng, tránh tình huống chính mình lại gây thêm phiền toái bởi hành vi không chuẩn so với nội dung cho phép.

Luật sư Nguyễn Văn Nam, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này của bộ Công an. Điều này giúp cho hoạt động tuần tra giao thông của cán bộ công an được công khai, minh bạch. Đồng thời, người dân cũng có được quyền giám sát của mình. Tuy nhiên, người dân cũng cần biết quyền hạn của mình đến đâu. Trong quá trình ghi hình sẽ phải tuân thủ một số quy định, để không gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Ngoài ra, thông tin người dân ghi hình, phản ánh nếu đăng tải lên mạng xã hội, nhất định phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính khách quan, chính xác. Không được cắt ghép, cố tình làm sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, theo Bộ luật Dân sự. Những quy định này, theo tôi cần được nêu rõ ràng bằng các văn bản luật, tránh rắc rối và phức tạp trong quá trình xử lý về sau. Ngoài ra, theo quan điểm của tôi, cần hiểu người dân được phép ghi hình không phải là ghi hình vô tội vạ, thậm chí livetream nhằm câu like, phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ở đây là trên phương diện công việc, nếu người dân nào thấy có khuất tất thì được phép ghi hình lại làm bằng chứng, không phải cứ thấy CSGT làm nhiệm vụ là tới ghi hình tràn lan, rồi đăng tải lên các trạng mạng xã hội của cá nhân”.

Hoàng Việt

Buổi chiều hoài niệm của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tới thăm, tặng quà chúc Tết và làm việc với Phòng CSGT Hà Nội, nơi ...

Được phép ghi âm, ghi hình CSGT từ 15.1: Tăng quyền dân, giảm tiêu cực

Từ ngày 15.1.2020, người dân có quyền giám sát lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi ...

Từ 15/1, người dân được phép ghi hình ghi âm CSGT

Nhằm minh bạch hóa công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư ...

 

/ www.doisongphapluat.com