Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định bằng xe ô tô được phép hoạt động trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác.
- Xử lý quyết liệt xe khách, xe container không đảm bảo an toàn giao thông
- Xe khách tông vào 9 nhà dân ở Bình Thuận
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tuyến cố định cần chủ động khảo sát, cập nhật phương án tổ chức giao thông của các tuyến đường cao tốc mới đưa vào khai thác, từ đó xác định điểm vào, điểm ra của các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc và thực hiện theo phương án tổ chức giao thông, loại phương tiện được phép hoạt động.
"Các doanh nghiệp, hợp tác xã lập danh sách phương tiện; tổng số chuyến/tháng có nhu cầu chạy trên hành trình có đoạn tuyến đi trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác (làm rõ số chuyến/tháng chuyển toàn bộ sang hành trình mới hoặc chuyển một phần) gửi Sở GTVT hai đầu tuyến trước khi hoạt động trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác", Bộ GTVT yêu cầu.
Về lâu dài, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
|
Xe khách tuyến cố định liên tỉnh được lưu thông vào các dự án cao tốc mới |
"Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung đối với các tuyến vào Quyết định số 927/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại lần công bố định kỳ gần nhất", Bộ GTVT yêu cầu.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có đề xuất của về việc đề nghị cho phép các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định được sử dụng đường cao tốc.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, gần đây, một số xe khách tuyến cố định bị chặn lại và yêu cầu không được đi vào đường cao tốc.
Đơn cử, xe khách tuyến cố định xuất phát từ Hà Nội đi qua cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn bị dừng xe, kiểm tra và yêu cầu không được đi vào tuyến đường này. Nguyên nhân là phù hiệu vận tải tuyến cố định dán ở kính xe chưa thể hiện lộ trình đi vào cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.
Tương tự trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dù cao tốc này đã đi vào hoạt động có thu phí nhưng xe khách tuyến cố định vẫn chưa thể lưu thông do chưa được điều chỉnh, bổ sung lộ trình trong mã QR trên phù hiệu.
Còn theo Sở GTVT TP.HCM, nhiều nhà xe tuyến cố định gặp khó khăn khi di chuyển trên cao tốc (đặc biệt là cao tốc mới khai thác) do khi cơ quan chức năng kiểm tra mã QR trên phù hiệu "Xe tuyến cố định" thì thông tin hành trình chạy xe không ghi tên đường cao tốc đó.
Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị tạo điều kiện cho xe khách tuyến cố định di chuyển trên cao tốc nhằm phục vụ hành khách nhanh chóng, hiệu quả.