Theo chuyên gia, điều quan trọng các nhà đầu tư cần có khi vào đặc khu là môi trường kinh doanh thông thoáng, luật pháp rõ ràng, ít thay đổi.
"Tôi băn khoăn"
Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang chờ được các ĐBQH nhấn nút biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, đến nay, nhiều ĐBQH vẫn còn băn khoăn với quy định thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm.
Chia sẻ nỗi lo này với ĐBQH, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết, ông ủng hộ xây dựng đặc khu kinh tế nhưng chỉ nên thí điểm một đặc khu vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Ông cũng "lấy làm lạ" với quy định cho thuê đất đặc khu tới 99 năm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương kể, ông đã sang đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc và từng được gặp 3 người tham gia xây dựng đặc khu này từ những ngày đầu tiên. Thâm Quyến không lôi kéo nhà đầu tư bằng việc kéo dài thời hạn thuê đất lên tới 99 năm.
Tại Thâm Quyến và các đặc khu kinh tế khác sau này, chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép các nhà đầu tư thuê đất với thời hạn ban đầu từ 20-50 năm, tùy theo lĩnh vực hoạt động, và khả năng gia hạn sử dụng đất.
Vân Đồn, một trong ba khu vực dự kiến lập đặc khu
"Đặc khu là vùng không gian có vị trí đắc địa để phát triển kinh tế, thường là vùng ven biển, thuận lợi cho giao thông, đồng thời liên quan đến các trung tâm kinh tế quốc tế khác ở xung quanh.
Để thu hút các nhà đầu tư đến đặc khu kinh tế, điều quan trọng là Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, không nhũng nhiễu, hệ thống pháp luật rõ ràng, ít thay đổi.
Cơ chế thông thoáng ở đây không có nghĩa là ưu đãi cho thật nhiều, hết nấc và nhà đầu tư muốn làm gì thì làm. Cơ chế thông thoáng nhưng Nhà nước vẫn phải kiểm soát, quản lý được", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, ba nơi chọn làm đặc khu đều là mặt tiền của đất nước án ngữ trước Biển Đông, đặc biệt Vân Đồn có vị trí rất nhạy cảm về an ninh quốc gia.
"Là một cử tri, tôi mong rằng việc xây dựng đặc khu sẽ được lấy ý kiến dân. Bên cạnh đó, làm đặc khu thì cần phải xác định làm cái gì ở đó, làm như thế nào và lựa chọn nhà đầu tư ra sao? Những vấn đề đó cần có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà kinh tế và nhà quản lý", Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Phải xem xét kỹ
Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cũng bày tỏ lo ngại về thời gian cho thuê đất kéo dài tới 99 năm, trong khi một chu kỳ sản xuất kinh doanh tối đa cũng chỉ 50 năm.
Ông đề nghị, những nhà đầu tư tới đặc khu đều phải tuân thủ nguyên tắc: phải có dự án đầu tư, trình dự án, sau khi thẩm định kỹ càng mới được giao đất.
Còn PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, con số 99 năm đã là mấy đời nhà đầu tư và xét về mặt kinh tế là không ổn.
"Giá đất đai thay đổi rất nhiều. Nếu diện tích nhỏ thì không đáng ngại, nhưng hàng trăm, hàng nghìn hecta thì không được. Đã là thuê thì chỉ có tính chất tạm thời..
Bên cạnh đó, đất cho thuê để làm mặt bằng doanh nghiệp với đất trong đặc khu là khác nhau. Đặc khu có các quy chế phục vụ cho sự phát triển kinh tế, vì vậy, việc này phải hết sức cân nhắc", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.
Vị chuyên gia thẳng thắn, Việt Nam đã có nhiều bài học với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là chuyển giá, bao nhiêu cái lợi về thuế nhà đầu tư nước ngoài đều ôm trọn, sau đó rút đi mà Việt Nam không làm dược gì. Đó là điều cần phải suy nghĩ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, tại sao lại có bất bình đẳng như thế với các chủ thể tham gia vào nền kinh tế Việt Nam? Đó không phải luật chơi của một xã hội bình đẳng, phát triển.
NÓI THẲNG: Khi người nước ngoài được thuê đất 99 năm... Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (ở đây gọi tắt là Luật Đặc khu) đang chờ được các đại biểu Quốc hội ... |
Đại biểu Quốc hội: Cho thuê đất tới 99 năm, chỉ những đất nước nghèo đói, lạc hậu mới cần Đại biểu TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thời gian 99 năm ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng ... |
Cho thuê đất 99 năm: "Đại bàng" ba đời xây ổ Điều cần tập trung trong Luật đặc khu không phải ưu đãi kiểu “quy ra thóc” như hiện tại, mà cần nhấn mạnh vào thay ... |