Liên tiếp trong nhiều ngày, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội bị nhiều số điện thoại lạ gọi tới “tra tấn” để đòi nợ. Nguyên nhân được cho là một nhân viên của công ty này đã vay nợ bên ngoài từ một tổ chức tài chính, đã đến hạn trả nhưng không trả được.

Chủ doanh nghiệp bị “khủng bố” điện thoại vì nhân viên vay nợ bên ngoài, xử lý thế nào? ảnh 1

Các cuộc gọi đòi nợ liên tiếp gọi tới chủ doanh nghiệp dù không liên quan

Một phút 2 cuộc gọi quấy rối

Phản ánh đến An ninh Thủ đô, chủ doanh nghiệp này cho biết, số đường dây nóng (hotline) của công ty là số di động. Nhiều ngày qua, một số người lạ liên tiếp gọi tới số hotline để đòi nợ.

“Họ cho biết một nhân viên công ty tôi đã vay nợ phía họ, đã đến hạn nhưng không trả được. Vì thế, họ gọi tới số hotline, gặp lãnh đạo công ty để gây áp lực đòi tiền. Vụ việc khiến tôi rất bất bình và không thể tập trung cho công việc”- chủ doanh nghiệp này cho biết.

Trong tài liệu gửi đến An ninh Thủ đô, nạn nhân của cuộc gọi lạ quấy rối cho biết, có hàng chục cuộc gọi từ các số lạ nhưng đều là các đầu số 058. Các số gọi đến hotline công ty là: 0584616360; 0584630637; 0584630641; 0584616324; 0584630635… Đáng chú ý, điện thoại còn hiển thị thời gian gọi tới là cả vào ban ngày và buổi tối, có khi 1 phút gọi 2 cuộc liên tiếp (người gọi chỉ chờ đổ chuông rồi tự hủy cuộc gọi- PV) khiến sinh hoạt của nạn nhân bị đảo lộn và phiền phức.

“Là chủ doanh nghiệp, thường thì số máy lạ tôi cũng nghe vì biết đâu đó là cuộc gọi từ đối tác làm ăn mới nhưng khi biết vụ việc, dù không nghe thì máy vẫn đổ chuông, vẫn báo cuộc gọi tới nên rất mệt mỏi.

Tôi còn lo lắng hơn nữa vì không biết sự việc có dừng lại ở việc quấy rối điện thoại không hay họ sẽ làm gì khác, ảnh hưởng tới bản thân tôi và công ty cũng như các nhân viên khác!”- chủ doanh nghiệp cho biết.

Tình trạng nhân viên vay nợ nhưng phía cho vay gọi điện quấy nhiễu, gây áp lực đòi tiền từ chủ doanh nghiệp không phải vấn đề mới.

Cách đây một thời gian, anh Nguyễn T. (giám đốc một doanh nghiệp in ấn) cũng bỗng dưng bị đòi nợ liên tục vì nhân viên “trót” vay tiền lãi ngoài và bị thúc ép trả nợ.

“Họ dùng rất nhiều số nên tôi chặn không xuể, nhưng tôi đã cho nhân viên đó nghỉ việc sau khi tìm hiểu rõ câu chuyện. Ngoài ra, tôi thông báo với cơ quan chức năng về các số điện thoại rác gọi tới”- anh Nguyễn T. cho hay.

Không chỉ quấy rối, cuộc gọi, tin nhắn “rác” với mục đích lừa đảo, quảng cáo dịch vụ cũng vẫn diễn ra thường xuyên. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phải sớm ngăn chặn SIM rác để từ đó hạn chế lừa đảo trực tuyến.

Từ 1-11-2021, Bộ TT-TT cũng triển khai đầu số 156 để tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Người dùng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam có thể phản ánh qua đầu số 156 đến tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh, phân loại và xử lý hỗ trợ, giúp đỡ người dân.

Thông thường, sau khi nhận được phản ánh từ người dùng, cơ quan chức năng sẽ xác minh và đề nghị nhà mạng cắt thuê bao nếu vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đối tượng vi phạm có hành vi tinh vi hơn, đó là họ chủ động tự ngắt liên lạc sau khi thực hiện hành vi quấy rối hoặc lừa đảo.

Cụ thể như với trường hợp chủ doanh nghiệp nêu trên, khi gọi lại vào các số điện thoại đầu 058xxxxxxx nêu trên, một số thuê bao lập tức có thông báo không liên lạc được (tự tắt máy hoặc chặn cuộc gọi tới từ số máy lạ), một số máy khác lại có chuông đầu tiên nhưng sau đó bị tắt đi và gửi lại một thông báo bằng tiếng Anh.

 Mặt khác, các số điện thoại rác có thể thực hiện gọi qua vệ tinh, hoặc do chủ thuê bao đã thực hiện chuyển mạng giữ số nên mất thời gian xác minh thuê bao thuộc mạng nào, ít nhiều gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Chặn cuộc gọi đòi nợ vô cớ bằng cách nào?

Như trên phân tích, việc người dùng tự chặn cuộc gọi rác tới hoặc giải thích với bên cho vay về việc “tôi không liên quan” dường như không có kết quả, bởi kẻ đòi nợ sẽ liên tục thay số điện thoại mới, không nghe “trình bày” và chỉ cần đạt mục đích dọa dẫm để đòi được tiền.

Do đó, theo các chuyên gia về pháp lý,

bên cạnh việc thông báo với cơ quan chức năng, tố cáo cuộc gọi rác (như nhắn tin, gọi điện tới đầu số 156) để được hỗ trợ, nạn nhân nên lưu lại các bằng chứng bị đe dọa, gây áp lực bằng cách ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, cuộc gọi quấy rối…

Các bằng chứng này có thể gửi tới cơ quan chức năng để được hỗ trợ can thiệp, bảo vệ. Đồng thời, mời bên cho vay đến trụ sở làm việc cùng nhân viên vay tiền để giải quyết.

Mặt khác, sở dĩ bên cho vay nợ có được thông tin về doanh nghiệp mà nhân viên đang làm việc là trong phần lớn hồ sơ cho vay, bên cho vay yêu cầu người vay phải xin xác nhận nơi công tác hoặc phải khai thông tin về người chủ sử dụng lao động hiện tại.

Do vậy, khi cần gây sức ép cho người vay, họ đã chọn cách khủng bố điện thoại đến doanh nghiệp.

Vì thế nên chủ doanh nghiệp không nên xác nhận công tác cho người lao động với mục đích vay tiền từ tổ chức tín dụng không uy tín cũng như yêu cầu người lao động của mình phải cam kết tránh cho công ty bất kỳ sự phiền hà, quấy rối từ bất kỳ bên cho vay nợ nào.

Theo các quy định của pháp luật, doanh nghiệp không có nghĩa vụ trong một giao dịch vay nợ độc lập của cá nhân, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm với các khoản vay tiêu dùng cá nhân này.

https://www.anninhthudo.vn/chu-doanh-nghiep-bi-khung-bo-dien-thoai-vi-nhan-vien-vay-no-ben-ngoai-xu-ly-the-nao-post530621.antd

 

Hà Linh / anninhthudo.vn