Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã phát đi thông báo tìm người liên quan vụ Phòng khám Đa khoa Duy Hà bán khống giấy khám sức khoẻ. Vậy hành vi giả mạo trong công tác bị xử lý ra sao, người mua giấy khám sức khỏe có phạm pháp?
- Khởi tố vụ làm giả giấy khám sức khỏe do một cặp vợ chồng điều hành
- Bình Định siết việc cấp giấy khám sức khỏe đối với lái xe
- Đại biểu Quốc hội: "Nhiều tài xế mua giấy khám sức khoẻ với giá 200.000 đồng"
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đang điều tra vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra ngày 22-23/4/2022 tại Công ty TNHH Khám và chữa bệnh Tuấn Tú 108 (tại phường Đồng Văn, Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Theo thông tin ban đầu, Phòng khám Đa khoa Duy Hà thuộc Công ty TNHH Khám và chữa bệnh Tuấn Tú 108 đã cấp giấy khám sức khỏe giả cho những người không trực tiếp đến khám sức khỏe và ký giả chữ ký của người khác trong giấy khám sức khỏe.
Để phục vụ điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam thông báo và đề nghị những người đã được Phòng khám này cấp giấy khám sức khỏe đến cơ quan công an trình báo.
Không chỉ có phòng khám trên, mới đây trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin xuất hiện trường hợp nhận cung cấp giấy khám sức khỏe do Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cấp, song qua xác minh là giả mạo.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cảnh báo nạn giả mạo bệnh viện cấp giấy khám sức khỏe |
Về hành vi giả mạo trong công tác, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đó là việc một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung các giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn hoặc làm, cấp các giấy tờ giả.
Giấy tờ bị sửa chữa chủ yếu là các loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức mà người phạm tội quan tâm.
Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra các giấy tờ có nội dung không đúng với thực tế khách quan. Nói cách khác, đây là các giấy tờ không có thật, không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Cấp giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả.
Về chế tài xử lý đối với hành vi giả mạo trong công tác, Điều 359 BLHS 2015 quy định, phạt tù từ 1-5 năm với người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Phạt tù từ 12 - 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo Luật sư Thu, khám sức khỏe xin việc làm là kiểm tra sức khỏe tổng quát, nhằm bảo đảm thể trạng khỏe mạnh, không bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng hay truyền nhiễm, phù hợp năng lức lao động với vị trí ứng tuyển. Đây là thủ tục không thể thiếu của người lao động khi chuẩn bị hồ sơ xin việc.
Theo quy định hiện hành, cá nhân mua giấy khám sức khỏe có thể phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (Khoản 1 Điều 46 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi mua bán giấy khám sức khỏe có thể bị xử lý hình sự theo Điều341 BLHS 2015 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.