Chủ tịch Quốc hội khẳng định quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước bảo trợ với những chính sách đảm bảo cân đối nên không có khái niệm "vỡ quỹ bảo hiểm xã hội".
Sáng 17/8, phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã xác định lập quỹ BHXH với nguyên tắc an toàn đặt lên hàng đầu.
"Nghị quyết 28 quy định khi đầu tư quỹ BHXH phải cân nhắc an toàn lên hàng đầu, bền vững là thứ hai, thứ ba mới đến hiệu quả. Khác với những quỹ khác là tính hiệu quả đặt lên hàng đầu. Thay vì mang đi gửi ngân hàng lãi suất cao thì chủ yếu chúng ta tham gia thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu dài hạn", ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách và là quỹ tập trung lớn nhất, chỉ sau quỹ ngân sách Nhà nước.
"Tính chất của quỹ này là do Nhà nước bảo trợ. Trước đây các đồng chí cứ nói khái niệm "vỡ quỹ" hay "không vỡ quỹ". Tôi khẳng định rằng không có khái niệm vỡ quỹ BHXH được đâu, chúng ta có chính sách bảo đảm cân đối", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động quỹ BHXH, trước đây Bộ trưởng Tài chính là Chủ tịch Hội đồng quỹ, song dự thảo luật đề xuất Phó Thủ tướng sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, Hội đồng quản lý quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.
Bàn về đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoàn toàn đồng tình và cho biết đây là chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương.
Song, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu để xác định trong Luật thời điểm chuyển xuống đóng BHXH đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu thì rất tốt.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nguyên nhân rút BHXH một lần là do thời gian đóng để hưởng BHXH quá dài (20 năm).
"Trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch COVID-19, trong khi đóng BHXH 20 năm sau mới được hưởng thì quá dài, cho nên đôi khi người lao động chọn cái trước mắt nên đã có hiện tượng rút BHXH một lần. Vì thế Nghị quyết 28 nêu rõ, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm", Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Nhắc lại chuyến công tác vừa qua, khi gặp Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Nghị viện của một số nước, ông Vương Đình Huệ cho biết họ đánh giá rất cao việc cải cách tiền lương, BHXH của nước ta.
"Một số nước tôi đi, vừa mới nói chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là xã hội bất ổn. Ở ta thì không nói cố định tuổi nào nhưng theo lộ trình sẽ tăng dần. Họ nói rằng nếu biết sớm về cách làm của Việt Nam thì không vất vả thế này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như kinh tế chia sẻ, công nghệ nền tảng… với quan hệ lao động rất khác. Từ đó xuất hiện các đối tượng lao động mới như lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa.
"Cần nghiên cứu đưa các đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc hay không?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đối với việc sửa đổi Luật BHXH đã rõ nên tinh thần là phải quyết tâm cao, sớm khẩn trương trong xây dựng, hoàn thiện dự án luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý kết cấu dự thảo luật mạch lạc hơn; rà soát để quy định đầy đủ hơn việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, quản lý thu quỹ BHXH, về trợ cấp hưu trí, về BHXH một lần, về xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội chủ động tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, nắm bắt dư luận đối với dự án luật để thẩm tra chính thức, góp phần hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng cao nhất khi dự luật được trình Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra dự luật.