Cuối tháng 2-2024, một chung cư mini trên phố Khương Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị nứt trụ, 60 hộ dân sinh sống tại đó phải “sơ tán” đến nơi an toàn.

Chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phong tỏa công trình và yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà chịu trách nhiệm xử lý. Chủ tòa nhà đã thực hiện các biện pháp gia cố tạm thời, đồng thời cam kết khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn cho tòa nhà.

Dư luận chắc chắn chưa quên vụ cháy chung cư mini xảy ra trên địa bàn phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) năm ngoái. Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, vụ cháy đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở riêng lẻ được chia thành nhiều căn hộ, thường được gọi là chung cư mini.

Có ý kiến cho rằng, giá rẻ và nằm ở các khu dân cư đông đúc chính là lợi thế để loại hình nhà ở này tồn tại dù có không ít bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua. Song sau sự cố cháy, nổ, hư hỏng, xuống cấp, có lẽ giá của chung cư mini không hề rẻ.

Nói cách khác, để có giá thành thấp mà chủ đầu tư vẫn có lãi, chung cư mini đã bị co kéo, cắt giảm đi nhiều tiêu chuẩn sử dụng, về mức độ bảo đảm an toàn (như hệ thống phòng, chống cháy, thoát hiểm…), thậm chí vi phạm cả pháp luật. Với sự “đánh đổi” như vậy, giá nhà chung cư mini rõ ràng là không hề rẻ.

Qua đó, một lần nữa có thể thấy vấn đề lớn khác của xã hội là việc giải quyết nhu cầu chỗ ở trong đô thị, với giá cả phù hợp. Nghịch lý của thị trường bất động sản hiện nay là hầu hết dự án nằm ở phân khúc trung, cao cấp. Dù thị trường trầm lắng nhưng giá nhà chung cư vẫn tăng và ở mức rất cao, trong khi ước tính 70% nhu cầu thị trường là nhà ở giá bình dân. Rất nhiều dự án để hoang, lãng phí trong khi người có nhu cầu ở thực rất khó kiếm được căn hộ phù hợp.

Sau vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát toàn bộ chung cư mini trên địa bàn. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ, tiến độ rà soát còn chậm và quan trọng hơn là những bất cập chỉ ra sau khi rà soát được xử lý thế nào cũng chưa rõ ràng. Do đó, dư luận mong tiến độ rà soát cần đẩy nhanh hơn và cần có báo cáo, đề xuất tổng thể phương án xử lý với chung cư mini còn tồn tại, trước hết là để bảo đảm an toàn cho các hộ sinh sống càng sớm, càng tốt. Về lâu dài, cơ quan nhà nước cần đề xuất chính sách quản lý, giải quyết triệt để mọi bất cập, như tính pháp lý; việc lập, phê duyệt dự án; giám sát đầu tư, cấp phép; mua bán… để loại hình nhà ở này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra.

Cùng với giải quyết vấn đề của nhà chung cư mini, cơ quan quản lý cần giải quyết bất cập của thị trường bất động sản, có chính sách mạnh hơn nữa để thúc đẩy dự án nhà ở giá phù hợp với số đông người dân. Dự án nhà ở chất lượng, đồng bộ hạ tầng, kết nối tốt với hệ thống giao thông và có giá cả hợp lý chắc chắn thu hút người mua thay thế cho lựa chọn chung cư mini. Đối với công nhân, người lao động, nhà ở xã hội là giải pháp ưu tiên. Đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đã được xây dựng, vấn đề đặt ra là các cơ chế, chính sách đi cùng để đề án sớm trở thành hiện thực.

Thực tế đã được chỉ ra từ lâu là ngoài sự quyết tâm, phải có cơ chế, chính sách phù hợp mới có thể thúc đẩy các dự án; nếu không, thị trường bất động sản vẫn mãi tồn tại nghịch lý...

https://hanoimoi.vn/chung-cu-mini-khong-re-659578.html