Đợt mưa lớn từ ngày 15 đến 17/8 sẽ gây ngập lụt ở những vùng trũng, trong đó có huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Chiều 14/8, Tổng cục phó Khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải cho hay, hiện chưa thể nói chính xác cường độ cũng như khu vực bão Bebinca (bão số 4) đổ bộ, tuy nhiên có thể khẳng định bão sẽ gây mưa lớn dồn dập trong ba ngày từ 15 đến 17/8.
Tổng cục phó Khí tượng thuỷ văn Quốc gia Lê Thanh Hải. Ảnh: Võ Hải.
Bão Bebinca hình thành ngay trên biển Đông, có hình thái đặc biệt. Trong khi hầu hết bão di chuyển từ phía Đông vào phía Tây, riêng bão Bebinca đi từ Tây sang Đông, thậm chí có lúc theo phía Đông Nam.
"Chiều 14/8, bão có dấu hiệu dừng lại và đi chậm lên phía Bắc, hướng về phía Tây. Dự kiến chiều tối 15/8, bão đi vào bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc. Đêm 15 ngày 16/8 bão vào vịnh Bắc Bộ và nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh)", ông Hải nhận định.
Bão vào vịnh Bắc Bộ có thể giữ nguyên cấp 8-9 với sức gió tối đa 90 km/giờ và cũng có thể suy yếu thành áp thấp. Tuy nhiên, mưa lớn gần như chắc chắn bắt đầu từ đêm 15 cho đến hết 17/8 với lượng phổ biến 300-400 mm, một số nơi lên 600 mm.
Tổng cục khí tượng cho rằng, trong bối cảnh tháng 6-7 lượng mưa ở Bắc, Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm, có điểm vượt gấp bốn lần nên đợt mưa sắp tới có nguy cơ gây sạt lở rất cao. Mưa lớn sẽ gây ngập lụt ở nhiều khu vực. Hạ lưu sông Bùi của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có nguy cơ lặp lại tình trạng ngập lụt như trung tuần tháng 7.
"Tuy nhiên, đây chỉ là những cảnh báo sớm. Các đơn vị liên quan sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và hoàn lưu sau bão trong những ngày tới", ông Hải nói.
Lũ trên sông Bùi có thể vượt báo động 3
Trưởng phòng dự báo thủy văn Bắc Bộ Trịnh Thu Phương cũng nhận định, với lượng mưa 300-400 mm dồn dập trong ba ngày thì vùng hạ lưu các sông Hồng, Đáy, Hoàng Long, Bôi sẽ có lũ ở báo động 2-3.
Từ ngày 12/8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi các bản tin cảnh báo lũ có thể xảy ra ở khu vực sông Đà (Hòa Bình), sông Thao (Yên Bái).
Hàng nghìn hộ dân tại huyện Chương Mỹ bị ngập lụt kéo dài hơn 20 ngày vào tháng 7. Ảnh: Giang Huy.
Đặc biệt lũ trên sông Bùi có khả năng lặp lại đỉnh như chiều 30/7 tại trạm Yên Duyệt (7,51 m, vượt báo động ba 0,51 m). Việc này khiến hạ lưu sông thuộc huyện Chương Mỹ khó tránh cảnh ngập lụt.
Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, do thời gian mưa ngắn, nên nếu có xảy ra ngập cũng không kéo dài như đợt ngập vừa qua (hơn 20 ngày).
Đợt mưa lũ trong tháng 7 đã làm nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội ngập lụt như Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Sơn Tây, Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thạch Thất. Ba huyện bị thiệt hại nặng nhất là Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.
Thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hà Nội cho thấy đợt mưa lũ đã làm hơn 4.600 hộ với 22.300 nhân khẩu bị ảnh hưởng; trên 4.400 ha lúa mất trắng và trên 5.000 ha ngập sâu. Khoảng 500 ha hoa màu, 880 ha thủy sản, 300 ha cây lâu năm, 10 km đường giao thông... bị hư hỏng. Riêng thiệt hại tại hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức ước tính 300 tỷ đồng.
Bão số 4 giật cấp 11 tiến thẳng đất liền, các tỉnh Quảng Ninh - Nghệ An chịu ảnh hưởng thế nào? Bão số 4 giật cấp 11 đang tiến dần vào đất liền, từ đêm nay (15/8), các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có ... |
Bão Bebinca có thể đổ bộ vào khu vực Hải Phòng - Nghệ An Hôm nay bão vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và khả năng đổ bộ các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An vào ... |
Bão số 4 có vùng ảnh hưởng ngày càng rộng khi hướng vào Việt Nam Bão số 4 được cảnh báo có phạm vi vùng gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 rộng đến 100 km tính từ vùng tâm ... |