Chờ đợi 1/3 thế kỷ để đến được với nhau, mối tình Việt - Triều của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong-hui đã làm xúc động nhiều người, nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện chưa được biết đến về mối tình son sắt này.
Sau chuyến thăm tháng 5.2002 của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, phía Triều Tiên đã cho phép bà Ri Yong-hui kết hôn với ông Phạm Ngọc Cảnh - Ảnh tư liệu của Đại sứ Đỗ Thị Hòa
Là Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên nhiệm kỳ 2000 - 2004, nguyên Đại sứ Đỗ Thị Hòa đã chứng kiến giờ phút khai hoa, kết quả của mối tình 31 năm chờ đợi, mối tình mà bà gọi là “xuyên thế kỷ” này.
[VIDEO] Nữ đại sứ Việt Nam với 4 thập kỷ gắn bó với Triều Tiên |
Trong suốt 40 năm gắn bó với Triều Tiên của bà Hòa, một trong những thời điểm xúc động nhất mà cũng hồi hộp, thấp thỏm nhất là khi được đón ông Phạm Ngọc Cảnh sang Đại sứ quán để chờ đợi đoàn tụ với bà Ri Yong-hui.
Theo bà Hòa nhớ lại, sau chuyến thăm cấp cao Triều Tiên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 5.2002, cuộc hôn nhân của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong-hui đã được phía bạn đồng ý. Tháng 10 năm đó, phía Triều Tiên thông qua Đại sứ quán của mình tại Hà Nội, thông báo với Bộ Ngoại giao về việc đồng ý để bà Ri Yong-hui kết hôn với một công dân Việt Nam.
Ảnh Lê Nam |
Ông Phạm Ngọc Cảnh lúc đó đang đi theo đoàn tập huấn ở Hàn Quốc, ngay khi hay tin đã lập tức trở về Hà Nội để đi Triều Tiên. Ông đã chờ đợi hơn 30 năm cho giờ phút này, và không có lý do gì để chần chừ nữa.
“Tôi nhớ anh ấy đến Đại sứ quán vào đầu tháng 10.2002, chờ 1 tuần không thấy phía bạn thông tin gì cả. Chị Ri Yong-hui thì sống cách Bình Nhưỡng hơn 300 cây số cơ. Cả anh Cảnh và cán bộ Đại sứ quán chúng tôi ai cũng thấp thỏm, bởi đến lúc đó cũng chưa ai chắc là anh Cảnh có đón được chị ấy về Việt Nam không”, nguyên Đại sứ Đỗ Thị Hòa nói.
Cuối cùng, tin vui cũng tới cho những người biết chờ đợi, khi Bộ Ngoại giao báo tin đến Đại sứ quán là hai người được phép gặp nhau. “Tôi và anh tham tán dẫn anh Cảnh ra khách sạn Thanh Niên. Khách sạn rất lớn, nhưng tối, vì Bình Nhưỡng thiếu điện. Mới thoáng nhìn thấy nhau là anh chị ấy ôm nhau khóc như mưa, trong ánh điện lù mù, làm người xung quanh ai cũng mủi lòng.
Nhưng cũng chỉ được gặp nhau một lát thế thôi, anh Cảnh lại phải trở về Đại sứ quán, còn chị ấy tiếp tục ở khách sạn đợi. Anh chỉ kịp đưa cho chị cái túi du lịch, trong đó có 1 - 2 bộ váy áo và vải để may áo dài, làm quà thôi, chứ không phải may áo cưới gì đâu, vì còn không biết có được đưa nhau về không”, bà Hòa kể.
Ảnh tư liệu của nguyên Đại sứ Đỗ Thị Hòa |
Chờ đợi 31 năm, được gặp nhau chớp nhoáng, rồi lại đợi. Do không ai dám chắc về kết quả cụ thể, nên chỉ có ông Phạm Ngọc Cảnh có vé tàu về Việt Nam, bà Ri Yong-hui không có vé. Đại sứ Đỗ Thị Hòa phải nhờ đến Ban Đối ngoại của Quốc hội giúp đỡ mới đặt được thêm một vé tàu cho bà Yong-hui về Hà Nội.
Ngày 18.10 năm đó, Đại sứ quán tổ chức một bữa tiệc cảm ơn Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại của Quốc hội, kiêm luôn tiệc đính hôn của ông Cảnh và bà Yong-hui. Tại bữa tiệc đó, 2 người đã trao nhẫn cho nhau. Thay vì gia đình, đại diện 2 nước đóng vai nhà trai, nhà gái trong bữa tiệc đặc biệt đó.
“Chúng tôi cũng tổ chức 1 mâm cơm như lễ ăn hỏi theo phong tục Việt Nam, có gà chéo cánh ngậm hoa, có bánh kẹo, có rượu anh Cảnh mang sang. Người phát biểu cao nhất hôm đó là ông Ma Chol Su, Cục trưởng Cục châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên, sau này cũng sang Việt Nam làm đại sứ một nhiệm kỳ dài. Ông Ma Chol Su dặn dò chị Ri Yong-hui là phải sống hạnh phúc, phải theo đúng phong tục, tập quán của Việt Nam, phải tôn trọng Việt Nam, tôn trọng quan hệ hai nước và đóng góp vào mối quan hệ đó... Ông ấy dặn dò rất nhiều”, nguyên Đại sứ Đỗ Thị Hòa hồi tưởng.
Ảnh tư liệu |
Chính vì mối quan hệ đặc biệt này mà khi ông Ma Chol Su sang Việt Nam làm đại sứ, ông bà Cảnh cũng tham gia rất nhiều sự kiện của Đại sứ quán. Điều đặc biệt hơn, ông Ma Chol Su cũng là con trai của đại sứ đầu tiên của Triều Tiên ở Hà Nội, ông Ma Dong San, một người được Bác Hồ rất yêu quý.
Một người bạn Cuba sau này kể lại với bà Đỗ Thị Hòa, là suốt chặng đường từ Bình Nhưỡng ra đến biên giới, bà Ri Yong-hui luôn ngồi quay mặt vào góc, vì sợ bị bắt quay về. Thêm vào đó, bà còn mang tâm trạng rối bời của người lần đầu tiên xa gia đình, xa tổ quốc. Vượt qua tất cả, ông bà đã sống ở Việt Nam đến nay được 16 năm, tình cảm vẫn như ngày xưa, đi đâu vẫn tay trong tay.
“Nhiều người nói rất ngưỡng mộ mối tình này, nhưng nếu hiểu kỹ thêm, thì sẽ càng ngưỡng mộ hơn. Hai người phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên, khi anh Cảnh đến thực tập ở nhà máy mà chị Ri Yong-hui làm, và rồi chỉ bằng vài bức thư mà họ chờ đợi nhau từng ấy năm. Thời xưa gì cũng bị cấm đoán, không có chuyện lưu học sinh Việt Nam và Triều Tiên được công khai tìm hiểu, rồi tự do lấy nhau đâu. Có viết thư cho nhau cũng khó. Anh Cảnh phải nhờ bạn bè thân thiết đút thư vào 1 cái phong bì Triều Tiên mới gửi được đi, chứ không phải cứ gửi là thư tới đâu. Nội dung cũng chỉ “Thân gửi đồng chí. Tôi hiện nay vẫn khỏe, đồng chí có khỏe không...”, chứ không phải thề non hẹn biển”, đại sứ Hòa cho biết.
Cho đến nay, mối tình của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong- hui vẫn là một trong những kỷ niệm đẹp nhất ở Triều Tiên của bà Hòa. Với Đại sứ Đỗ Thị Hòa, đó là một trong những biểu tượng về sự gắn kết giữa 2 đất nước.
Vua Anh thời trung cổ có cố vấn riêng chuyện phòng the? Henry VI chưa biết mùi tình ái trước khi kết hôn, vì thế, vị vua và hoàng hậu viện tới sự trợ giúp chuyện phòng ... |
Chê MU đá tệ, chuyên gia bị Vidic lườm trên sóng truyền hình Đang phân tích về trận derby nước Anh, chuyên gia Graeme Souness bắt gặp ánh mắt không mấy thiện cảm từ cựu đội trưởng Man ... |
Chuyện tình của Lưu Bị và 4 người vợ đẹp tuyệt trần Lưu Bị có bốn vị phu nhân. người hy sinh quên mình, người tấm thân cao quý, người là quả phụ. Ai mới là hiền ... |