Giám đốc điều hành Climate Central giải thích về cách diễn giải sai của New York Times về nghiên cứu mới công bố.
Tiến sĩ Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành kiêm người đứng đầu nhóm nhà khoa học của Climate Central, tổ chức tin tức phi lợi nhuận chuyên phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu, trao đổi với VnExpress về nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications hôm 29/10 về tác động của mực nước biển dâng trên toàn cầu. Tờ New York Times của Mỹ dẫn lại nghiên cứu này và cho biết vào giữa thế kỷ 21, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường, còn miền Nam Việt Nam, trong đó có TP HCM, có thể gần như "biến mất".
- Căn cứ khoa học nào để Climate Central dự báo "phần lớn TP HCM sẽ biến mất"?
- Chúng tôi không đưa ra nhận định nào về "sự biến mất" của bất cứ nơi nào, trong đó có Việt Nam. Đây là cụm từ theo sự diễn giải của New York Times về nghiên cứu của Climate Central.
Chúng tôi coi nghiên cứu này là bước cải thiện lớn trong hiểu biết của mình về mối đe doạ trên toàn cầu do mực nước biển dâng. Tuy nhiên, chúng tôi không coi nó là kết luận cuối cùng.
Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên một mô hình cải tiến toàn cầu về độ cao các vùng đất ven biển, nhưng hiển nhiên các dữ liệu đo đạc độ cao trực tiếp sẽ giúp mang lại kết quả chính xác hơn cho Việt Nam.
Kịch bản chính chúng tôi phân tích liên quan đến mực nước biển dâng chưa tới một mét vào năm 2100. Chúng tôi xem xét một cách rõ ràng và công khai hai khả năng có và không có các đợt ngập ngắn hạn kết hợp với nước biển dâng.
Vùng ngập trong nước biển ở miền nam Việt Nam năm 2050 trong dự báo cũ và dự báo mới (bấm vào ảnh để xem cỡ to). Đồ họa: New York Times. |
- Vậy những nguy cơ chính của Việt Nam là gì?
- Phân tích của chúng tôi dựa trên độ cao của đất và nước. Vùng đất có độ cao thấp hơn mực nước biển hiện nay hay trong tương lai, hoặc thấp hơn các mực nước lũ ven biển được coi là "dễ bị tổn thương" trước tình trạng ngập nước thường xuyên hay lũ lụt lâu dài. Nhưng điều này không có nghĩa các vùng đất đó chắc chắn bị ngập. Chẳng hạn, việc xây dựng các công trình bảo vệ có thể giúp ngăn chặn nguy cơ này.
Mặc dù vậy, "các mối đe doạ" về ngập nước mặn và lụt là có thực, trừ khi dữ liệu về độ cao là sai.
Các nguy cơ khác của Việt Nam là đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, dẫn tới sản lượng thấp, thậm chí không thể canh tác. Nước ngầm bị nhiễm mặn, đe doạ nguồn cung nước uống. Nguy cơ lụt cũng gia tăng trong mùa mưa bão, vì nước không thể rút nhanh nếu mực nước biển cao. Tôi từng đến TP HCM hơn 10 năm trước, gặp cảnh nước ngập đến đầu gối sau một giờ mưa lớn. Dường như đã có vấn đề về thoát nước.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về khả năng sai dữ liệu?
- Nghiên cứu của chúng tôi không tính đến các công trình bảo vệ hiện có ở bờ biển, do thiếu dữ liệu. Chúng có thể là các con đê lớn do nhà nước hay chính quyền địa phương xây dựng, cho đến các đê bao nhỏ do người dân tạo ra.
Bảng Dữ liệu bổ sung 1 trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gần 19 triệu người Việt Nam sống ở vùng đất thấp hơn mực triều cường. Điều này dẫn tới hai giả thuyết: hoặc là các con đê, đập và các công trình khác đang bảo vệ người dân ở quy mô lớn, hai là có thể mô hình của chúng tôi tính sai độ cao ở Việt Nam (tính rằng chúng thấp hơn thực tế). Cũng có thể có sự kết hợp hai giả thuyết. Nghiên cứu của chúng tôi cũng không tính đến khả năng các công trình bảo vệ ven biển trong tương lai được xây dựng.
Chúng tôi đã sử dụng các thuật toán để cải thiện dữ liệu về độ cao các vùng đất ven biển, nhưng vẫn cần các phương pháp đo độ cao trực tiếp đáng tin cậy để có được bức tranh chính xác nhất.
Như chúng tôi đã lưu ý trong câu đầu tiên trong phần Thảo luận, dù có sự cải thiện nhưng lỗi của bộ dữ liệu đo độ cao vẫn là một hạn chế lớn của nghiên cứu này. Chúng tôi cũng có một phần nói về khả năng có lỗi trong đánh giá một số khu vực nhất định (như Đồng bằng sông Cửu Long) với các khu vực có phạm vi lớn hơn (như là quy mô cả quốc gia, một vùng hay toàn cầu).
Tôi hy vọng rằng mô hình của chúng tôi tính sai với Việt Nam và nguy cơ từ mực nước biển dâng thấp hơn những gì chúng tôi đánh giá.
- Chuyên gia Việt Nam nói rằng Climate Central không sử dụng đúng số liệu về độ cao thực tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên kết quả đưa ra không chính xác. Ông phản hồi thế nào?
- Nghiên cứu của chúng tôi là trên phạm vi toàn cầu, không có sự hợp tác đặc biệt nào với bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả Việt Nam.
Chúng tôi sử dụng dữ liệu về độ cao từ mô hình của mình để miêu tả độ cao của Đồng bằng sông Cửu Long và của các vùng đất ven biển khác trên thế giới. Nếu có dữ liệu tốt hơn về độ cao của Đồng bằng sông Cửu Long, và Việt Nam muốn chia sẻ, chúng tôi rất vui lòng được tìm hiểu. Những dữ liệu này nên được sử dụng cho các phân tích về bờ biển. Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra đánh giá chính xác nhất có thể, để hỗ trợ người dân và các khu vực bị đe doạ bởi nước biển dâng, bằng bất kỳ cách nào.
- Ông có khuyến cáo gì với Việt Nam để hạn chế tác động và thích nghi với việc mực nước biển dâng?
Tiến sĩ Benjamin Strauss. Ảnh: Climate Cental. |
- Tôi cho rằng Việt Nam cần thu thập dữ liệu tốt hơn về độ cao của đất đối với các vùng đất thấp ven biển trên khắp cả nước (đặc biệt là Đồng bằng sông Mekong và các khu vực quanh Hà Nội) và chia sẻ dữ liệu này một cách rộng rãi với cộng đồng nghiên cứu khoa học.
Việc thu thập dữ liệu với các đê, đập hay công trình bảo vệ ven biển đang hiện hữu sẽ rất hữu ích. Các dữ liệu này sẽ giúp có sự hiểu biết chính xác về các vùng đang có nguy cơ lớn nhất, trở thành cơ sở cho việc quy hoạch hiệu quả.
Chúng ta không bao giờ có thể đưa ra dự báo chính xác về mực nước biển trong tương lai, nhưng chúng ta có thể biết độ cao chính xác của đất, nếu chúng ta có phép đo chuẩn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng rất lớn của dữ liệu độ cao chính xác.
Dữ liệu mới có thể cho thấy mức độ dễ tổn thương của Việt Nam trước hiện tượng nước biển dâng so với đánh giá của Climate Central. Tôi đoán rằng dữ liệu mới sẽ cho thấy nước biển dâng là một mối đe doạ khẩn cấp với Việt Nam, nhưng tôi hy vọng nó không khẩn cấp như đánh giá trong nghiên cứu của chúng tôi.
Tôi cũng lưu ý là, nghiên cứu của Climate Central không phải tài liệu mới duy nhất cho thấy nguy cơ của Việt Nam lớn hơn đánh giá hiện tại. Nghiên cứu khác được xuất bản đầu năm nay trên tạp chí Nature Communications có tên là "Đồng bằng sông Cửu Long ở độ cao thấp hơn nhiều so với đánh giá trước đây, trong các đánh giá về tác động của mực nước biển dâng".
- Làm sao Việt Nam có thể có dữ liệu tốt hơn về độ cao của đất?
- Tôi không biết Việt Nam đã có dữ liệu gì. Tôi biết có nhiều phương pháp thu thập dữ liệu về độ cao mang lại độ chính xác cao với các khu vực rộng lớn. Dữ liệu được thu thập tốt nhất là bằng radar phát sáng bằng tia laser trên không (airborne lidar).
Phương pháp này liên quan đến việc dùng máy bay ở tầm thấp, sử dụng máy định tầm bằng tia laser công phu để thu thập hàng triệu điểm dữ liệu, thậm chí là nhiều giá trị độ cao trên mỗi mét vuông. Thuật toán máy tính có thể dễ dàng phân biệt được cây cối, toà nhà và mặt đất.
Một cách tiếp cận khác là dùng kỹ thuật chụp ảnh 3D với độ phân giải lớn. Như với radar phát sáng từ tia laser, dữ liệu có thể được thu thập từ trên cao hoặc trên nền tảng vệ tinh. Công nghệ vệ tinh đang được cải thiện với cả phương pháp chụp ảnh và radar phát sáng từ laser.
- Việt Nam làm thế nào để hạn chế nguy cơ của nước biển dâng?
- Với một số khu vực không tránh được nguy cơ nước biển dâng, chiến lược thích nghi là điều mang tính quyết định. Có ba cách cơ bản để thích nghi: phòng vệ, thích nghi và rút lui.
Tôi không phải chuyên gia về thích nghi, nhưng có một số ví dụ về chiến lược này. Đất có thể được bảo vệ khỏi nước biển dâng bằng việc bảo vệ hoặc hồi phục các vùng đầm lầy ven bờ, như là rừng đước, hoặc xây các công trình bảo vệ nhân tạo, trong đó có các đập. Các toà nhà sử dụng cột nhà sàn có thể đứng vững trong lũ. Cuối cùng, người dân có thể rời đến khu đất cao hơn.
Với mỗi chiến lược này, tôi tin rằng việc lập quy hoạch và hành động sớm sẽ giúp giảm tối đa chi phí, thiệt hại và tổn thất về người. Giống như việc cảnh báo hàng ngày trước mỗi cơn bão, việc cảnh báo về mực nước biển dâng trong mỗi thập kỷ là điều rất cần thiết.
Trên phạm vi toàn cầu, tôi cho rằng việc giảm nhanh và sâu ô nhiễm không khí có thể làm chậm lại việc tăng mực nước biển và dễ quản lý hơn. Ô nhiễm môi trường (do phát thải khí giữ nhiệt) dẫn tới việc tăng nhiệt độ nói chung, làm nước biển ấm lên, tăng mực nước biển và khiến các sông băng, tảng băng tan ra.
Cần lưu ý là việc giảm ô nhiễm chỉ có thể giúp làm chậm lại mực nước biển dâng trong tương lai. Kể cả khi các nước ngừng làm ô nhiễm, mực nước biển sẽ vẫn dâng ở mức độ nào đó, vì băng đang phản ứng với độ ấm mà chúng ta đã tạo ra. Nó giống như việc bạn rút ổ điện của tủ lạnh, đá trong tủ sẽ cần thời gian để tan ra.
New York Times ngày 31/10 đăng bài về nghiên cứu của Climate Central, công bố trên tạp chí Nature Communications, cho rằng: số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 so với các dự báo trước đó, đe dọa xóa sổ gần như toàn bộ một số thành phố ven biển lớn trên thế giới. Vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể gần như biến mất. Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất. |
Bộ TNMT bác tin TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long sắp bị ‘"xóa sổ" |
"Thông tin Đồng bằng sông Cửu Long biến mất vào năm 2050 là chưa đủ căn cứ khoa học" |