Trong kỳ điều hành ngày 22.8, giá các mặt hàng xăng được giữ nguyên, theo đó, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.660 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu, giá diesel tăng 850 đồng/lít lên 23.750 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 24.050 đồng/lít.

Lý do giá xăng dầu trong nước không giảm như kỳ vọng được cho là bởi liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn, dù ở mức thấp hơn các kỳ điều hành trước. Cụ thể, mức trích vào quỹ của xăng là từ 451 - 493 đồng/lít, dầu diesel 250 đồng/lít, dầu hỏa 400 đồng/lít và dầu mazut là 716 đồng/kg. Cũng do trích lập bình ổn nên nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giá xăng đã có thể giảm lần thứ 6 lần liên tiếp và dầu diesel cũng chỉ tăng nhẹ, ở mức 600 đồng/lít.

Lý giải về việc trích lập quỹ, liên Bộ Công thương - Tài chính cho rằng, trong kỳ điều hành này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng. Tuy nhiên, để hỗ trợ đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ quyết định giảm mức trích lập quỹ bình ổn đối để giữ ổn định giá mặt hàng xăng và dầu mazut, hạn chế mức tăng đối với các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa. Đồng thời góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9...

Bản chất của quỹ bình ổn là khoản thu trước của người tiêu dùng trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Và từ đầu tháng 7 đến nay, cơ quan điều hành đã trích gần 4.000 đồng/lít với mặt hàng xăng; 3.200 đồng/lít với dầu hỏa và 2.150 đồng/lít với dầu diesel. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vai trò của quỹ bình ổn ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch.

Rằng dù quỹ bình ổn giá có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu nhưng thực tế, hiệu quả của quỹ chỉ phát huy tác dụng khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp và trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài, quỹ gần như không phát huy hiệu quả, do đó, nên mạnh dạn bỏ quỹ này.

Không chỉ các chuyên gia mà Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm hướng đến mục tiêu hoạt động theo cơ chế thị trường - tức giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Bên cạnh đó, khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Đặc biệt, tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều tiết theo giá thị trường. Cơ sở để đưa ra đề xuất này theo Bộ Tài chính là bởi hiện thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng hoặc giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Trong khi đó, nếu thực tế có phát sinh trường hợp bình ổn giá, việc áp dụng theo biện pháp này là không khả thi vì việc lập quỹ phải trên cơ sở đề án trích lập, quản lý sử dụng nên sẽ không đáp ứng được tính kịp thời, phải triển khai ngay. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá bỏ công cụ quỹ bình ổn... để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường.

Về nguyên tắc quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo được tốt giá trên thị trường thế giới rằng mức giá hiện nay đang cao hay thấp hơn so với mức giá trung bình trong dài hạn. Bởi vậy, cần nghiên cứu đánh giá lợi ích của việc trích lập và thực hiện quỹ trong thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp, từ đó cân nhắc có nên tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

 
Ninh Hà