Có một thực tế mà không ít nhà phân tích đã đề cập, rằng thực ra Thụy Điển đã không còn duy trì chính sách trung lập, ít nhất là kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995.

Thế nhưng, việc Thụy Điển quyết định theo đuổi tư cách thành viên NATO đã đặt chính quốc gia này vào trạng thái phải chịu sức ép điều chỉnh hệ thống pháp lý trong nước quá mức so với dự kiến trước khi chính thức nộp đơn và sự phản đổi của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ buộc Thụy Điển phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình.

Từ bỏ trung lập

Không giống như Áo hay Thụy Sĩ, trung lập không phải là nghĩa vụ theo hiến pháp ở Thụy Điển, mặc dù việc theo đuổi trạng thái trung lập luôn nằm trong ý chí của bộ máy nhà nước này. Tuy nhiên, năm 2022 đã chứng kiến sự đảo ngược mang tính lịch sử của chính sách alliansfrihet (không liên kết quân sự) của Thụy Điển bằng việc nước này chính thức theo đuổi tư cách gia nhập NATO của mình. Sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, Chính phủ Thụy Điển của Thủ tướng Magdalena Andersson ban đầu đã tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, Thụy Điển đã lần đầu tiên thưc hiện các hành động triệt để, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực đang diễn ra chiến tranh, vốn có kể từ năm 1939.

Con đường gập ghềnh tới NATO của Thụy Điển -0
Căn cứ không quân của NATO tại Geilenkirchen, Đức.

Đến giữa tháng 4/2022, lần đầu tiên số người Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập NATO vượt quá số người phản đối. Một diễn biến quan trọng ảnh hưởng đến cuộc tranh luận này là vấn đề Phần Lan. Trong nhiều thập kỷ, hai bên bờ vịnh Bothnia đều ngầm hiểu rằng nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển muốn gia nhập NATO thì nước này phải phối hợp với nước kia. Các quan chức Chính phủ Thụy Điển đã bàn thảo về quá trình gia nhập NATO nhanh kỷ lục khi Hội nghị thượng đỉnh Madrid tháng 6/2022 được dự kiến có thể là ngày gia nhập. Các phương tiện truyền thông đưa tin vào thời điểm đó cũng lạc quan về khả năng Thụy Điển sẽ nhanh chóng đứng vào hàng ngũ NATO.

Ngáng trở

Mặc dù trọng tâm những ngáng trở cho đến nay đối với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO được cho là từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, song thực tế họ không phải là quốc gia duy nhất làm việc này. Hungary, một ngoại lệ khác trong liên minh, cũng đã có lập trường như vậy, tuy lặng lẽ hơn. Chính phủ Hungary nhiều lần khẳng định họ sẽ ủng hộ 2 nước này gia nhập, nhưng đã nhiều lần âm thầm trì hoãn quá trình này.

Việc nhiều lần trì hoãn xem xét tư cách thành viên của 2 nước nói trên của Hungary có vẻ cũng giống với quá trình Thổ Nhĩ Kỳ trước thông báo chính thức của Thụy Điển và Phần Lan về việc nộp đơn gia nhập NATO. Có thể Chính phủ Hungary đang chờ xem Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chấp thuận mở rộng NATO với 2 nước trên thì lúc đó Hungary sẽ ở vị thế mạnh hơn nhiều để yêu cầu nhượng bộ với tư cách là nước duy nhất không chấp nhận. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phủ quyết thì Hungary sẽ tránh được bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp và công khai nào về một vấn đề mà cuối cùng sẽ được coi là không liên quan.

Hungary vốn bất hòa với EU, tổ chức mà trong đó phần lớn các thành viên đều nằm trong NATO. Mâu thuẫn xoay quanh một số vấn đề, chẳng hạn như vấn đề di cư của người tị nạn và tranh chấp pháp quyền và gần đây nhất là từ cuộc xung đột ở Ukraine. Các nhà ngoại giao Hungary phản đối gói vay ưu đãi 18 tỷ euro dành cho Ukraine, với lập luận rằng thay vào đó, gói hỗ trợ tài chính phải dựa trên cơ sở song phương. Về bản chất, trong khi sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khiến câu hỏi về việc mở rộng NATO về phía Bắc Âu chỉ là vấn đề riêng của NATO thì sự phản đối tiềm tàng của Hungary có thể làm mờ ranh giới giữa EU và NATO và khiến vấn đề càng trở nên phức tạp đối với Thụy Điển, đặc biệt là khi nước này giữ chức Chủ tịch EU trong nửa đầu năm 2023.

Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ

Cốt lõi của thái độ phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ trên con đường gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, đó là 2 nước này, chủ yếu là Thụy Điển, đều sẵn sàng tiếp nhận những nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa khủng bố. Trong đó bao gồm cả nhóm người Kurd cũng như các thành viên phong trào Gulen (Ankara gọi là Tổ chức khủng bố Fethullah, hay FETO) - bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính thất bại năm 2016. Yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là dẫn độ những cá nhân bị truy nã hiện đang sống ở Thụy Điển và Phần Lan.

Mặc dù đã có vài động thái tích cực giữa hai bên, song trở ngại đối với nỗ lực của Thụy Điển nhằm xoa dịu yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ là việc cơ quan tư pháp độc lập của nước này ngăn Chính phủ Thụy Điển dẫn độ bất kỳ cá nhân cụ thể nào thông qua các con đường hợp pháp. Thay vào đó, chính phủ có thể ra quyết định về việc trục xuất hoặc dẫn độ nhưng quyết định đó có thể được xem xét lại theo tư pháp nếu người đó kháng cáo quyết định này. Chẳng hạn, ngày 19/12/2022, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã chặn việc dẫn độ Bulent Kenes, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ đang sống và làm việc tại Thụy Điển, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tham gia âm mưu đảo chính năm 2016, người bị ông Erdogan gọi đích danh là khủng bố.

Một góc nhìn nữa, đã cho thấy việc Mỹ không thể đảm bảo cho Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Mỹ tiếp tục suy giảm ở khu vực Trung Đông. Trên thực tế, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như miễn nhiễm với sức ép từ bên ngoài. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đều công khai kêu gọi sớm chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan tham gia, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối. Việc Ankara theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập không hoàn toàn tuân theo Washington hoặc Brussels là điều không có gì mới. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua S-400 của Nga bất chấp lời đe dọa áp đặt trừng phạt và thực tế là Mỹ đã có động thái trừng phạt. Mặc dù công khai lên án Nga trong vấn đề Ukraine nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, thậm chí còn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Nga trong một loạt vấn đề, bao gồm hợp tác an ninh và thương mại.

 https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/con-duong-gap-ghenh-toi-nato-cua-thuy-dien-i683351/

Ngọc Lan / Công an nhân dân