Capital House là một trong những đơn vị đầu tiên theo đuổi xu hướng công trình xanh tại Việt Nam nhưng lại bộc lộ ra một số điểm yếu.
Đầu tháng 7/2018, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House) được tôn vinh ở hạng mục Công trình xanh trong giải thưởng Transformational Business Awards do Tạp chí danh tiếng Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức bình chọn. Với hàng loạt dự án đã và đang được xây dựng ở TP. Hà Nội như Ecolife Capitol (đường Tố Hữu, Q. Nam Từ Liêm); Ecolife Tây Hồ (đường Võ Chí Công, Q. Tây Hồ); Ecohome Phúc Lợi (Q.Long Biên)...
Điểm nổi bật của các dự án này là thiết kế xanh, không chỉ bởi không gian có nhiều cây xanh mà ngay cả những vật liệu sử dụng trong dự án cũng mang lại sự tiết kiệm điện - nước, thân thiện với môi trường. Không những thế, chữ "xanh" còn được thể hiện qua cách ứng xử của chủ đầu tư với khách hàng - các cư dân đang sống trong dự án của Capital House.
Ông Đỗ Đức Đạt - Tổng Giám đốc Capital House chia sẻ trên báo chí: công trình xanh là triết lý của doanh nghiệp định hình suốt hơn một thập kỷ qua. Thậm chí, đó còn là châm ngôn kinh doanh, cảm hứng chủ đạo, con đường mà Capital House theo đuổi.
Tuy nhiên, con đường như ông Đạt từng nói đang gặp phải nhiều thử thách khi cư dân ở các dự án của Capital House liên tục gặp phải những vấn đề bức xúc mà chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng từ chủ đầu tư.
Đường độc đạo dẫn vào Ecolife Tây Hồ từng là nỗi ám ảnh của hàng nghìn người dân, dự án này còn thiếu nước suốt gần 1 tháng qua.
Đầu tiên là tại dự án Ecolife Tây Hồ (đường Võ Chí Công, Q. Tây Hồ), khi mở bán, chủ đầu tư đã khẳng định đây là một trong những dự án tiếp nối phương châm Kiến tạo cuộc sống xanh mà người lãnh đạo Capital House đang theo đuổi. Nhưng khát vọng đẹp lại vấp chuyện khiến dân phiền lòng, những ngày gần đây dưới cái nóng oi bức của mùa hè, dự án bỗng dưng mất nước trầm trọng.
Chia sẻ với Đất Việt, một cư dân sống tại tầng 15 dự án Ecolife Tây Hồ bày tỏ sự khó chịu khi giữa trời nắng phải xách thùng đi hứng từng giọt nước sạch, cả nhà phải cắt giảm nhu cầu sinh hoạt cá nhân bởi cả chung cư bị mất nước trầm trọng. Dự án với hơn 600 căn hộ, hàng nghìn cư dân sinh sống lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng trong trời nắng như thiêu đốt của mùa hè.
"Các hộ gia đình không có nước nấu ăn, tắm giặt, đi vệ sinh cũng phải tiết kiệm nước... tình trạng này đã kéo dài gần 1 tháng nay. Tuần trước trời nóng đến 40 độ C là thế nhưng cư dân sống ở đây phải tiết kiệm nước từng chút một, tắm giặt cũng không được thoải mái" - cư dân này cho biết.
Sáng sớm, nước về Ecolife Tây Hồ có nhiều hơn, các hộ gia đình tranh thủ dậy sớm để hứng nước dự trữ sử dụng cho cả một ngày.
Nhưng không phải nhà nào cũng nhanh chân lấy được, chỉ chậm một chút thôi là cả ngày đều phải sống trong sự lo lắng, có thể hết nước sinh hoạt bất cứ lúc nào.
Hơn nữa, việc thiếu nước tại chung cư còn đẩy hàng nghìn người dân vào tình thế nguy hiểm khi có sự có hỏa hoạn xảy ra.
"Nước sinh hoạt còn không đủ thì nước cho hệ thống PCCC sẽ như nào? Khi xảy ra sự cố, lấy đâu ra nước để khắc phục?" - chị Nguyễn Thị Hoài, cư dân sống tại Ecolife Tây Hồ đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, phía Capital House thông tin vào chiều ngày 9/7 lại cho rằng nguyên nhân thiếu nước tại Ecolife Tây Hồ là do yếu tố khách quan khi dự án nằm trong KĐT Tây Hồ Tây, do khu đô thị này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nên chủ đầu tư chưa thể đấu nối, cung cấp nước cho cư dân khu căn hộ theo hệ thống của toàn khu đô thị.
Capital House đã có phương án khắc phục trước mắt bằng cách dùng xe téc bơm nước cho cư dân. Nhưng phương án này kéo dài trong thời gian bao lâu? Khắc phục được nhu cầu sinh hoạt của người dân đến đâu? - những câu hỏi này không được chủ đầu tư giải đáp cụ thể.
Khát vọng lớn gặp hạt sạn nhỏ
Người dân ở đây vẫn chưa thể quên được tại Ecolife Tây Hồ nhiều tháng trước, người nào có nhu cầu ra vào dự án phải đi qua con đường lầy lội, sát cạnh mương nước ô nhiễm có thể "nuốt chửng" người đi đường bất cứ lúc nào. Nghịch cảnh vào thời điểm ấy, đây lại là con đường độc đạo dẫn vào Ecolife Tây Hồ mà chủ đầu tư thuê lại của tổ dân phố, khi hết hạn thuê, người ta đã rào đường ngăn cản không cho qua lại.
Còn tại tòa nhà Ecolife Capitol, nhiều khách hàng từng lên tiếng tố Capital House tự ý thay đổi một số hạng mục nhỏ trong căn hộ mà không thông báo trước cho khách hàng.
Khi đi vào hoạt động Ecolife Capitol cũng xảy ra nhiều bất cập khi cư dân sống tại đây căng băng rôn phản đối nhiều thông tin quảng cáo của chủ đầu tư mở bán dự án không đúng với thực tế, giá dịch vụ trông xe, quản lý tòa nhà cũng cao hơn so với các tòa nhà tương tự khác.
Với những vấn đề đang gặp phải, dù do yếu tố khách quan hay chủ quan nhưng mục tiêu Kiến tạo cuộc sống xanh mà ông Đỗ Đức Đạt - Tổng Giám đốc Capital House từng nói đang gặp phải những rào cản khiến cho nhiều cư dân vơi lòng tin vào những nỗ lực của đơn vị.
Như anh Nguyễn Đức Hùng - cư dân sống tại dự án Ecolife Tây Hồ bày tỏ: "Một dự án xanh, không chỉ xanh về mặt kỹ thuật xây dựng, thiết kế tòa nhà mà trước tiên cần phải "xanh" trong lòng dân.
Cuộc sống xanh, trước hết phải đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của con người, khiến cư dư sống thoải mái trong chính ngôi nhà của mình chứ không phải là sự bức xúc về vấn đề điện, nước; Không để xảy ra những hình ảnh xấu xí thể hiện mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa chủ đầu tư và khách hàng như căng băng rôn biểu tình..."
Tôm càng xanh VietGap giá như tôm thường, dân tính trở về cách làm cũ Khát vọng nâng tầm giá trị cho tôm đặc sản, người dân áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGap. Tuy nhiên, nông sản ... |
Bắc Giang chỉ rõ \'quân xanh, quân đỏ\' trong đấu thầu dự án vốn ngân sách Nhiều sai phạm về đấu thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa ... |
Xe biển xanh do doanh nghiệp tặng được đấu giá 2,6 tỷ đồng Một doanh nghiệp đóng tại địa bàn TP Vinh đã trở thành chủ nhân của chiếc xe Toyota Land Cruiser VX do UBND tỉnh Nghệ ... |
Tiến Hoàng