Khi phát hiện người vi phạm, CSGT mặc thường phục cần thông báo ngay cho tổ tuần tra công khai để tiến hành dừng phương tiện và xử lý.
Kết hợp lập chốt công khai với mặc thường phục bí mật nắm tình hình
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, từ nay đến hết năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý xuyên suốt 5 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông (TNGT).
Trong đó, đối với vi phạm về nồng độ cồn, CSGT sẽ huy động lực lượng cụ thể trên từng tuyến, đảm bảo nguyên tắc phải khép kín; thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát.
Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ sử dụng xe mô tô tuần tra cơ động gần khu vực kiểm soát để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình quay đầu xe trốn tránh việc kiểm tra; bố trí cán bộ mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và kịp thời xử lý người vi phạm sử dụng rượu bia tham gia giao thông.
CSGT hóa trang mặc thường phục sẽ không được trực tiếp xử lý người vi phạm.
Hình thức bố trí lực lượng mặc thường phục để phát hiện, xử lý người vi phạm còn được áp dụng trên các tuyến đường không có hệ thống giám sát tự động. Khi đó, cán bộ hóa trang, mặc thường phục sử dụng các thiết bị kỹ thuật để ghi nhận các hành vi vi phạm và xử lý. Nếu không dừng được phương tiện thì phải gửi thông báo đến chủ phương tiện có liên quan để xử phạt nguội.
Cảnh sát hóa trang không được trực tiếp xử phạt người vi phạm
Về quyền hạn và nhiệm vụ của lực lượng mặc thường phục, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh theo Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an (đã có hiệu lực từ ngày 15/9/2023), CSGT khi làm nhiệm vụ được bố trí một tổ cán bộ hoạt động theo hình thức này để phối hợp với lực lượng công khai khi tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Theo Điều 11 của thông tư, trước khi tuần tra hóa trang, đơn vị thực hiện phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.
"Cán bộ hóa trang chỉ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện người có hành vi vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, bộ phận mặc thường phục cần thông báo ngay cho tổ tuần tra công khai để tiến hành dừng phương tiện và xử lý", đại diện Cục CSGT cho hay.
Trong trường hợp cấp bách phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ hay an ninh trật tự, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm, thì lực lượng hóa trang sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để thông báo, phối hợp ngăn chặn ngay hành vi đó.
Điều cần lưu ý là cảnh sát hóa trang không được trực tiếp xử phạt người vi phạm, mà chỉ giám sát, phát hiện để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm.
CSGT hóa trang sẽ tăng cường tham gia phát hiện hành vi vi phạm, nhất là tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, riêng trường hợp cán bộ hóa trang gặp tình huống quả tang đối tượng vi phạm pháp luật về hình sự (tội phạm trộm, cướp, truy nã, ma túy...) đang gây án, thì họ có quyền bắt giữ, ngăn chặn ngay để đưa về trụ sở công an.
Theo tìm hiểu của PV, hình thức bố trí cảnh sát hóa trang để phát hiện, xử lý vi phạm từng được một số địa phương áp dụng.
Như tại Hà Nội, một số đội CSGT phụ trách các địa bàn hoặc tổ công tác 141 của công an thành phố vẫn thường xuyên có kế hoạch cử cán bộ hóa trang khi xử lý chuyên đề nồng độ cồn. Việc này nhằm xử lý triệt để tình trạng tài xế tìm đường tắt, ngõ hẻm để né tránh chốt công an.
Trong năm 2023 và ba tháng đầu năm 2024, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...
Theo Cục CSGT, những con số này cho thấy một bộ phận người dân vẫn vi phạm, chưa hình thành thói quen khi tham gia giao thông. Những hành vi này là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản và sức khỏe của nhân dân.