Ở gian phòng mang tên "Lúa", khán giả ấn tượng với sự kết hợp âm thanh, ánh sáng và màu sắc tạo cảm giác như ngôi đền nghệ thuật.
Diễn ra từ ngày 27 đến 29/12, triển lãm Cục im lặng là sự kiện thời trang kết hợp các loại hình nghệ thuật đương đại - lần đầu tổ chức ở Việt Nam. Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ cho biết cách đây hai năm, nhà thiết kế Công Trí muốn có một triển lãm khác biệt, ghi dấu chặng đường 10 năm làm nghề. Sau nhiều lần bàn bạc, cô cùng anh chọn thực hiện sự kiện này theo hình thức kết hợp thời trang với các loại hình nghệ thuật thị giác, trình diễn sắp đặt...
Triển lãm có 10 căn phòng, được thiết kế với chỉ một lối đi vào, giúp khán giả tập trung thưởng lãm. Lần lượt từng căn phòng được đặt theo tên các bộ sưu tập Công Trí từng ra mắt. Ở gian No.9. (Lúa) của nghệ sĩ thị giác Truc-Anh, nhiều khán giả cảm nhận không gian lan tỏa bầu không khí linh thiêng, như một điện thờ của nữ thần sông, lúa gạo, mặt trăng và thần rắn. Ánh sáng, tượng thờ, gạo, kim tuyến, những hình khối... được sắp xếp để tạo hiệu ứng thị giác, cảm xúc. Còn tác phẩm Trong khu rừng, Có một cánh cửa của đạo diễn Bảo Nguyễn - được phát triển từ bộ sưu tập Em hoa - lại có màu sắc, cách dựng phim của Hollywood với những khung hình duy mỹ, nhiều lớp nghĩa về cái đẹp.
Căn phòng giới thiệu bộ sưu tập No.9 được đánh giá tạo hiệu ứng thị giác mạnh nhất. Ảnh: C.T. |
Triển lãm của Công Trí pha trộn giữa thời trang và nghệ thuật, giữa truyền thống, văn hóa địa phương, yếu tố tâm linh và công nghệ hiện đại. Chẳng hạn, với bộ sưu tập Cảm ơn Sài Gòn, nghệ sĩ Hứa Như Xuân sử dụng ánh sáng và sân khấu dựng cảnh với quạt trần, cây tài lộc..., những không gian mang ý niệm về nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ. Các sáng tạo của Tùng Monkey (bộ sưu tập No.8) tập trung vào nghệ thuật trình chiếu kỹ thuật số, thể nghiệm những hình ảnh hoạt họa hay các luồng ánh sáng 3D kết hợp cùng video và người mẫu tương tác.
Sự nâng niu, gìn giữ các tác phẩm cũ là điều Công Trí gây ngạc nhiên với người xem. Nhiều thiết kế trong 10 bộ sưu tập cồng kềnh, chiếm diện tích lớn và khó tháo lắp, di chuyển. Nhưng trải qua 10 năm, chúng vẫn còn được bảo quản nguyên vẹn từ màu sắc, phom dáng đến đường kim mũi chỉ. Người mẫu Trang Trần xúc động khi ngắm bộ sưu tập Cảm ơn Sài Gòn (2013). Cô từng được Công Trí giao trình diễn bộ áo dài in dòng chữ "coi chừng điện giật".
Trang Trần nói: "Nếu không có triển lãm, thật khó có cơ hội để nhìn ngắm lại những tác phẩm này. Những ký ức cũ ùa về nguyên vẹn. Triển lãm không chỉ có ý nghĩa với riêng anh Công Trí mà với cả chúng tôi, những người có vinh hạnh góp chút công sức vào các bộ sưu tập của anh". Cũng như Trang Trần, Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Á hậu Thúy Vân... đều dừng chân rất lâu trước những căn phòng có bộ sưu tập họ từng trình diễn. Đạo diễn Victor Vũ nhận xét: "Bất ngờ, thán phục và chìm đắm là những cảm xúc khi dự triển lãm".
Thiết kế "sinh đôi" nằm trong bộ sưu tập "Nấm" (2013) từng được Hà Hồ, Thanh Hằng thể hiện. Ảnh: C.T. |
Đạo diễn Việt Tú thuộc êkíp tổ chức cho biết áp lực khi chuẩn bị sự kiện. Vài trăm người mất hơn một năm để lên ý tưởng, kịch bản và thi công gấp rút không gian trong 48 tiếng đồng hồ. Còn Công Trí tự nhận là người "lỳ lợm", cầu toàn, luôn phải thỏa hiệp với đam mê. Anh mua 7000 m vải phủ ngoài những tấm vách cứng để tạo hiệu ứng thị giác. Logo Cục im lặng cũng do anh tự tay vẽ, sau khi thuê nhiều đội ngũ nhưng không thấy thỏa mãn. Đến rạng sáng ngày khai trương, Công Trí cùng giám đốc sáng tạo Hà Đỗ vẫn canh chỉnh từng mannequin đến khi ưng ý.