Với doanh thu 21 tỷ đồng và nộp lại 100% cho ngân sách Nhà nước, bộ phim điện ảnh đặt hàng của nhà nước "Đào, phở và piano" được Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đánh giá là "của hiếm" của điện ảnh Việt Nam hiện nay khi có điểm rơi tốt, hội tụ đủ 3 yếu tố.
- Rạp Quốc gia: Vé phim khác vẫn bán online, 'Đào, phở và pinao' chỉ bán trực tiếp
- Liệu có xóa được định kiến về phim nhà nước đặt hàng?
Sáng ngày 11/4 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý I năm 2024. Tại đây, Bộ VHTTDL đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về hoạt động của các lĩnh vực mà Bộ VHTTDL đang quản lý như du lịch, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn....
Trong đó, lĩnh vực điện ảnh nhận được nhiều sự quan tâm nhất với các vấn đề về thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam, 300 bộ phim truyện có giá trị bị hư hỏng tại hãng phim truyện, phát hành phim do nhà nước đặt hàng...
Về thoái vốn tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ông Vi Kiến Thành cho biết: "Thoái vốn tại Hãng Phim truyện Việt Nam là một vấn đề phức tạp. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang làm việc và việc này sẽ thực hiện theo quyết định của đơn vị thanh tra".
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 sáng ngày 11/4 tại Hà Nội |
Về phim đặt hàng của nhà nước phát hành ra rạp, ông Vi Kiến Thành cho biết, vừa qua, Cục Điện ảnh đã ký kết với các cụm rạp, phát hành bán vé 6 bộ phim hoạt hình và 2 bộ phim truyện đặt hàng của nhà nước. Trong 6 bộ phim này, chỉ có "Đào, phở và piano" mang lại doanh thu cao và tạo hiệu ứng tích cực. Đây là "của hiếm" của điện ảnh Việt Nam hiện nay khi có điểm rơi tốt, hội tụ đủ 3 yếu tố.
3 yếu tố được Cục trưởng Cục Điện ảnh nhắc tới khi nói về bộ phim "Đào, phở và piano" là chất lượng tốt với công tác dàn dựng và đội ngũ diễn viên làm tròn vai; nhận được sự ủng hộ truyền thông của giới báo chí và cộng đồng mạng; được chiếu vào dịp Tết, mọi người có thời gian xem phim và thời điểm đó, nhu cầu của khán giả bão hòa với dòng phim giải trí.
Với giá vé bằng một nửa giá vé của dòng phim thị trường, "Đào, phở và piano" đã thu về 21 tỷ đồng, bằng với số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho bộ phim. Doanh thu từ việc chiếu phim "Đào, phở, piano" được nộp về ngân sách nhà nước 100%. Các đơn vị ký kết với Cục Điện ảnh trong phát hành bộ phim này tại các cụm rạp không được hưởng lợi một đồng nào. Tiền điện, nước, lương cho nhân viên được các cụm rạp chi trả và ủng hộ lần phát hành này.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, để tính được sức hấp dẫn của bộ phim với khán giả là một bài toán khó. Không ai có thể định lượng được bộ phim ra rạp sẽ được khán giả đón nhận ra sao. Do vậy, thành công của "Đào, phở và piano" - một bộ phim đặt hàng của nhà nước là bất ngờ và không dễ có một bộ phim như thế.
Cũng từ trường hợp của "Đào, phở và piano", Cục Điện ảnh đã có báo cáo đề xuất Bộ VHTTDL cho phép, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là đơn vị phát hành phim đặt hàng của nhà nước. Hiện nay, điện ảnh Việt Nam không có đơn vị phát hành phim. Fafilm Việt Nam trước kia, sau quá trình cổ phần hóa đã tê liệt hoàn toàn.
Hình ảnh trong phim "Đào, phở và piano" |
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh, không có chuyện các bộ phim đặt hàng của nhà nước sau khi sản xuất xong lại "đắp chiếu". Các bộ phim này được gửi chiếu khắp cả nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các tuần lễ phim, tới với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các nơi biên giới, hải đảo... Chỉ có điều, việc phát hành các bộ phim đặt hàng của nhà nước ra rạp đang vấp phải những rào cản.
"Hiện nay chưa có một quy định nào cho phát hành phim đặt hàng của nhà nước, rất cần có một Nghị định riêng cho việc này", ông Vi Kiến Thành nói.
Liên quan tới các bộ phim phát hành trên nền tảng số có nội dung độc hại, Cục trưởng Cục Điện ảnh thông tin, đối với phim phát hành trên nền tảng số, việc quản lý được thực hiện theo phương pháp hậu kiểm. Đơn vị phát hành phim có trách nhiệm tự phân loại, dãn nhãn độ tuổi khán giả và đưa ra cảnh báo với người xem. Với nguồn nhân lực hạn chế đang làm việc tại Cục Điện ảnh, việc phát hiện và xử lý các bộ phim vi phạm trông cậy vào các nhà báo và các khán giả có trách nhiệm.