Sau khi xăng, dầu liên tục giảm giá, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh giá cước với mức giảm trung bình 5-11%. Đại diện các cơ quan chức năng khẳng định, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện đầy đủ những quy định trong lĩnh vực quản lý giá.
Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh giá cước với mức giảm trung bình 5-11% khi xăng, dầu giảm giá.
Giá cước vận tải giảm 5-11%
Trong số các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh, đáng chú ý, Công ty cổ phần Hoàng Hà có xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình giảm giá từ 120.000 đồng/vé xuống còn 100.000 đồng/vé; Công ty TNHH Đoàn Xuân có xe chạy tuyến Hà Nội - An Lão, Tiên Lãng (Hải Phòng) giảm từ 130.000 đồng/vé xuống còn 120.000 đồng/vé; tuyến Hà Nội - Quý Cao (Hải Dương) giảm từ 90.000 đồng/vé xuống còn 80.000 đồng/vé và tuyến Hà Nội - Hải Dương giảm giá từ 80.000 đồng/vé xuống 70.000 đồng/vé.
Từ ngày 20-8, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội cũng triển khai giảm giá trên hàng loạt tuyến buýt kế cận và xe khách liên tỉnh. Cụ thể, tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Quế Võ (Bắc Ninh) áp dụng mức giá 55.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (tương đương giảm 8,3%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bắc Giang áp dụng mức giá 85.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (5,6%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Lạng Sơn và Bến xe Mỹ Đình - Bãi Cháy (Quảng Ninh) cùng có mức giá 110.000 đồng/vé, giảm 10.000 đồng (8,3%).
Tương tự, 3-11% là mức giảm giá được nhiều hãng taxi áp dụng sau khi xăng, dầu liên tục giảm giá. Theo kê khai giá cước của chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Hà Nội, từ ngày 27-8, với dòng xe 5 chỗ, chiều Hà Nội - sân bay Nội Bài (trọn gói trong vòng 30km), hãng áp dụng mức giá 250.000 đồng (giảm 11%); từ 30km trở lên áp dụng mức giá 15.000 đồng/km (giảm 3%). Với dòng xe 7 chỗ, chiều Hà Nội - sân bay Nội Bài (trọn gói trong vòng 30km), hãng áp dụng mức giá 250.000 đồng (giảm 11%); từ 30km trở lên áp dụng mức giá 16.500 đồng/km (giảm 6%)…
Trước đó, Công ty cổ phần Taxi CP Hà Nội đã giảm giá cước 4,5-5,6%. Với taxi sân bay kết nối trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài, giá cước bình quân giảm 4,4%.
Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội Đỗ Văn Huy khẳng định nguyên nhân giảm cước là do chi phí nhiên liệu giảm. Đồng thời, việc giảm giá cước như trên đáp ứng yêu cầu bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh với mức doanh thu đủ bù chi cũng như phù hợp với mặt bằng chung của các xe chạy cùng tuyến.
Sẽ kiểm tra các đơn vị chậm giảm giá cước vận tải
Trước đó, sau khi giá xăng, dầu liên tục giảm, thực hiện việc điều hành, quản lý giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các chi phí cấu thành giá, kê khai giảm giá cước; lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định.
"Đối với những đơn vị vận tải đã kê khai tăng giá cước mà sau khi giá nhiên liệu giảm, doanh nghiệp lại không giảm giá cước thì chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra những đơn vị đó", Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, với hoạt động vận tải, nhiên liệu là yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành giá cước. Khi giá nhiên liệu giảm sâu mà doanh nghiệp chưa kịp giảm hoặc giảm chậm là không hợp lý. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ các quy định trong quản lý giá, ví dụ như phải kê khai giá, hoặc đối với những lĩnh vực Nhà nước có quy định về khung giá thì không được tăng giá quá khung. Kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ, bán theo giá niêm yết, kê khai... Biện pháp mạnh trong thời gian tới là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra; nếu phát hiện có vi phạm, cơ quan chức năng cần sử dụng những công cụ pháp luật liên quan để xử lý nghiêm.
“Hiện nay, giá dịch vụ vận tải được quản lý dựa trên quy luật của thị trường. Nhà nước rất tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện đầy đủ những quy định trong lĩnh vực quản lý giá. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc trong lĩnh vực vận tải, trong đó có quy định về trách nhiệm kê khai, niêm yết giá cước vận tải”, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho biết.
Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định, không phải cứ giá xăng, dầu tăng, giá cước vận tải phải tăng theo và ngược lại. Cách làm này chỉ mang tính đối phó, không mang lại hiệu quả lâu dài. “Điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước phải bình ổn được giá xăng, dầu, để doanh nghiệp vận tải yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh, khách hàng được bảo đảm quyền lợi”, ông Ngô Trí Long nêu quan điểm.