Theo ghi nhận, đa số các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên mức giá cước hiện tại dù giá xăng, dầu đã liên tiếp giảm trong thời gian qua.
- Giá xăng dầu giảm lần thứ 5 liên tiếp, cước vận tải hạ 'nhỏ giọt'
- Giá xăng dầu giảm lần thứ 5 liên tiếp, cước vận tải hạ 'nhỏ giọt'
Giá nhiên liệu giảm mạnh, loạt doanh nghiệp vẫn “neo” giá cước cao
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, Taxi Group là hãng taxi đang niêm yết giá vé cao nhất so với các hãng xe còn lại, cụ thể, giá mở cửa là 20.000 đồng, từ Km Tiếp theo đến Km thứ 25 có giá 19.600 đồng/km và từ Km 26 trở đi có giá 16.200 đồng/km.
Dù đã giảm giá cước sau khi giá xăng dầu giảm nhưng giá cước Taxi Group vẫn ở mức cao nhất trong các hãng taxi ở Hà Nội do tăng giá 2 lần liên tiếp kể từ khi giá nhiên liệu tăng
Trong khi đó, hầu hết giá vé mở cửa của các hãng taxi còn lại đều ở mức 20.000 đồng, tương đương Taxi Group nhưng giá cước từ Km tiếp theo lại thấp hơn khá nhiều. Trong đó, đối với taxi Mai Linh từ Km Tiếp theo - Km30 là 16.500 đồng/km, từ Km31 trở đi là 13.200 đồng/km.
Đối với taxi G7, từ Km tiếp theo - Km thứ 30 là 15.000 đồng/km, từ Km 31 trở đi giá cước là 12.500 đồng/km.
Khảo sát taxi Sao Thủ đô, giá cước từ Km iếp theo - Km 25 là 15.000 đồng/km, từ Km 26 trở đi giá cước là 13.000 đồng/km.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, tuy có mức giá niêm yết cao nhất so với các hãng xe nhưng Taxi Group là doanh nghiệp đã thực hiện việc giảm giá cước ngay sau khi giá xăng, dầu liên tiếp giảm thời gian qua với mức giảm là 1.000 đồng/km. Trước khi giảm, giá cước từ Km31 trở đi của Taxi Group là 17.200 đồng/km.
Trước đây, khi giá xăng dầu tăng liên tục 13 lần, Taxi Group cũng là hãng xe đề xuất tăng giá cước 2 lần từ 15.500 đồng/km lên 17.200 đồng/km (tăng gần 11%).
Như vậy, với mức giá cước hiện tại 16.200 đồng/km, hãng xe này đã giảm gần 6%, vẫn ở mức cao hơn 700 đồng/km so với trước khi tăng giá.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, so với mặt bằng chung ở Đà Nẵng và TP. HCM, giá cước của các hãng taxi ở Hà Nội hiện nay vẫn thấp hơn. Giá cước ở Đà Nẵng đối với loại xe Toyota Vios (5 chỗ) hiện nay từ Km tiếp theo sau khi mở cửa là 18.500 đồng/km, và từ Km31 trở đi là 12.500 đồng/km.
Tại Yên Bái, theo Hiệp hội vận tải Yên Bái, trong giai đoạn giá xăng liên tục tăng, chỉ có duy nhất hãng xe Hải Phượng tăng giá vé niêm yết tuyến Hà Nội - Yên Bái từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng, các hãng xe khác đều giữ nguyên giá cước cũ vì lượng khách đi xe sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự phát triển của các loại hình xe ghép, xe đi chung trên địa bàn.
“Các doanh nghiệp sợ tăng giá vé sẽ càng khiến khách bỏ chọn đi xe tuyến cố định nên cố gắng duy trì mức giá cũ dù chuyến đi nào cũng kêu lỗ”, đại diện Hiệp hội vận tải Yên Bái nói và cho biết thêm: Đến nay, tuy giá xăng dầu liên tục giảm nhưng hãng xe Hải Phượng vẫn chưa đề xuất giảm giá vé.
Đối với tuyến Hà Nội - Lào Cai, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều giữ nguyên giá vé sau đợt tăng giá vào tháng 3/2022, dao động từ 260.000 đồng - 280.000 đồng/vé, trong đó Sao Việt là hãng xe đang có giá vé 280.000 đồng/vé.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do thời điểm tăng giá vé giá dầu ở mức 25.800 đồng/lít, sau đấy nhiều tháng liền, giá xăng liên tiếp tăng, đạt đỉnh 33.000 đồng/lít, các doanh nghiệp không đề xuất tăng thêm.
Do đó, dù giá xăng đã giảm liên tiếp gần đây nhưng thời gian giảm chưa dài, chưa đủ để doanh nghiệp bù lỗ trong khoảng thời gian giá xăng tăng cao. Do đó chưa doanh nghiệp nào trên tuyến đề xuất giá cước mới mà vẫn đang chờ theo dõi diễn biến giá xăng, dầu thời gian tới nếu giảm tiếp sẽ điều chỉnh sau.
Theo các chuyên gia, bình ổn giá xăng, dầu là cơ sở để các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải
Xăng dầu giảm, giá cước vận tải phải giảm theo mới "sòng phẳng" với hành khách
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết, việc giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là tín hiệu tốt không chỉ cho lĩnh vực vận tải, mà cho cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải bình ổn được giá xăng, dầu bởi đây là mặt hàng có tác động lớn đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội.
"Không phải cứ xăng dầu tăng, giá cước vận tải phải tăng theo và ngược lại mà mỗi doanh nghiệp vận tải được chủ động đưa ra giá cước phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của đơn vị, tuy nhiên cũng cần theo cơ chế thị trường.
Và điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý Nhà nước phải bình ổn được giá xăng dầu, để doanh nghiệp vận tải yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh, khách hàng được đảm bảo quyền lợi", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Mỗi doanh nghiệp xây dựng giá cước trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Những yếu tố cấu thành nên chi phí vận tải là một trong các căn cứ để doanh nghiệp quyết định giá cước.
“Chi phí về nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Giá đó được doanh nghiệp dự báo trong một chu kỳ để tính toán giá cước. Giá cước này cũng được tính trên cung cầu của thị trường, độ tín nhiệm của chủ hàng hay hành khách, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Như vậy, giá cước phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu”, ông Quyền nói.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, khi giá nhiên liệu tăng cao liên tục cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung khiến giá thành của các nguyên, vật tư khác của phương tiện cũng tăng theo. Đến nay những mặt hàng này chưa có sự hạ nhiệt. Do đó, không phải chỉ dựa trên sự giảm giá trong một vài phiên của xăng, dầu mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh được giá cước vận tải ngay, nhất là khi đã phải gồng lỗ trong thời gian dài vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, đã hoạt động theo thị trường, các doanh nghiệp cũng cần có điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý, vừa thể hiện sự sòng phẳng vừa tôn trọng khách hàng.