Xăng dầu đã giảm giá hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 6/2022 nhưng cước vận tải nơi giảm, nơi không khiến người tiêu dùng thắc mắc.
- Yêu cầu khẩn trương rà soát, kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải
- Giá xăng, dầu giảm, người dân mong cước vận tải sẽ giảm theo
Từ 15h ngày 11/8, giá xăng RON92 giảm 904 đồng/lít, xăng RON95 giảm 939 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.213 đồng/lít, dầu mazut giữ nguyên giá. Như vậy, sau 5 lần giảm giá liên tục, giá xăng dầu đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, giá cước vận tải - dịch vụ được cho là liên đới trực tiếp, chặt chẽ với xăng dầu - cho đến nay mới chỉ giảm ở một số doanh nghiệp với mức giảm khiêm tốn, còn đa số vẫn neo cao.
Trả lời VTC News, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - đơn vị đang sở hữu hơn 300 đầu xe gồm xe khách, xe taxi, xe tải hàng - cho biết ngay trong chiều 11/8, ban lãnh đạo công ty đã họp và thống nhất giảm giá cước từ 5 - 10% tùy từng loại hình vận tải.
"Nhiên liệu chiếm 30 - 35% cơ cấu giá đầu vào ngành vận tải nên khi giá xăng dầu giảm, giá cước lập tức sẽ tự động giảm theo. Đây là lần giảm giá cước thứ hai của chúng tôi, nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng và phù hợp diễn biến giá xăng dầu trên thị trường", ông Hải nói.
Nhiều nhà xe chủ động giảm giá cước nhưng một số vẫn neo giá cao dù giá xăng dầu đã hạ nhiệt mạnh. (Ảnh minh họa)
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, cho biết đang tính toán giảm thêm cước vận tải cho phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường. Trước đó, đơn vị cũng đã giảm cước vận chuyển 300 đồng trên mỗi kg nông sản.
"Với hơn trăm đầu xe, mỗi ngày chở cả ngàn tấn nông sản từ Bắc vào Nam và ngược lại, khi giá xăng dầu giảm, chúng tôi cũng điều chỉnh cước vận chuyển cũng giảm theo, giá bán sẽ mềm hơn, giúp kích thích tiêu dùng mà bà con nông dân cũng được lợi”, ông Quýnh nói.
Tuy vậy, không phải đơn vị vận tải hành khách nào cũng tính toán giảm giá vé. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết giá vé tuyến chở khách cố định nhiều hãng chưa giảm là vì trong thời gian vừa qua, khi giá xăng dầu tăng mạnh, nhiều nhà xe vẫn không đề nghị tăng giá vé và chấp nhận bù lỗ trong thời gian dài để hút khách.
"Trên lý thuyết khi giá nhiên liệu ngoài thị trường biến động ở mức độ nào đó thì giá cước vận tải cũng tăng hoặc giảm theo. Tuy nhiên, để phù hợp phải xem doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước ở thời điểm nào. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước tại thời điểm xăng dầu trên 30.000 đồng/lít thì khi giá xuống mức 25.000 đồng/lít thì bắt buộc phải hạ giá vé vận tải. Trường hợp doanh nghiệp làm phương án giá cước khi xăng dầu ở mức 25.000 đồng/lít thì đến giờ mới đủ bù chi phí và bắt đầu có lãi để duy trì hoạt động", ông Bằng lý giải.
Tuy nhiên, ông Bằng cho biết, với loại hình xe hợp đồng, đơn vị ngay lập tức đã điều chỉnh giá cước.
Nhận định về giá nhiên liệu thời gian tới, đại diện nhà xe Minh Thành Phát cho rằng, hiện tại giá xăng dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn rất cao. Do đó, đa số doanh nghiệp ngành vận tải vẫn mong giá mặt hàng này sẽ giảm sâu hơn để có thể nhanh chóng phục hồi kinh doanh.
Cước xe công nghệ vẫn cao
Theo khảo sát, dù giá xăng dầu đã giảm mạnh sau nhiều lần giảm nhưng cước vận tải loại hình xe công nghệ như Grab, Be, Gojek...vẫn chưa giảm. Theo đó, từ tháng 3, khi giá xăng bắt đầu tăng, Grab đã tăng giá cước GrabCar từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng/2km đầu tiên với xe 4 chỗ, các km tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng với lý do để bù đắp chi phí vận hành của tài xế.
Tương tự, từ 10/2, Be cho biết điều chỉnh giá cước hàng loạt dịch vụ như beBike (xe ôm công nghệ), beDelivery (giao hàng), beCar (taxi công nghệ) 4 chỗ và 7 chỗ.
Từ 14/4, Gojek cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ theo hướng tăng giá với các dịch vụ GoRide, GoFood.
Tuy nhiên, đến nay khi giá xăng dầu đã giảm sâu, giá cước các loại xe công nghệ vẫn vững vàng neo cao. Theo các chuyên gia và người dân, điều này là không công bằng. "Khi xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp lập tức kêu lỗ và tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng giảm mạnh, giá cước vẫn ở mức cao. Điều này thật nghịch lý, không sòng phẳng", anh Nguyễn Văn Bắc (Hà Nội) - khách hàng thường xuyên đi lại bằng xe công nghệ nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), việc giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải thì đây là cơ hội để hồi phục và phát triển sau cơn "bão giá". Tuy vậy, điều quan trọng là cơ quan đều hành phải có biện pháp để giữ giá xăng dầu ổn định, vì đây là mặt hàng có tác động lớn đến toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội.
Về câu chuyện "cước vận tải không giảm theo giá xăng dầu", ông Long cho rằng lúc giá xăng dầu tăng giá thì doanh nghiệp tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng dầu giảm hơn 20%, doanh nghiệp lại chần chừ chưa thực hiện giảm giá cước là điều khó chấp nhận. Dù doanh nghiệp vận tải được định giá cước theo thị trường nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải giám sát để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.
"Trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì không giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu đầu vào thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để người tiêu dùng biết, từ chối sử dụng dịch vụ", chuyên gia đề nghị.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu điều chỉnh giá cước vận tải
Trước việc giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Giao thông Vận tải mới đây có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tổng cục Thống kê) tính toán, tổ chức triển khai rà soát để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng thị trường theo đúng quy định.
Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
https://vtc.vn/gia-xang-da-u-gia-m-la-n-thu-5-lien-tie-p-cuoc-van-tai-ha-nho-gio-t-ar693913.html