Từ 0h ngày 11/7, giá bán lẻ xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít. Người tiêu dùng kỳ vọng giá cước, giá hàng hóa sẽ được điều chỉnh để giảm áp lực đời sống. Tuy nhiên, trao đổi nhanh với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho hay chưa tính đến chuyện giảm giá cước tại thời điểm này.
- Xăng giảm sâu 3.000 đồng/lít, doanh nghiệp vận tải vẫn canh cánh nỗi lo
- Giá xăng giảm mạnh chưa từng có kể từ đầu năm nay
Là một trong số ít doanh nghiệp vận tải trụ được qua 2 năm dịch, ông Nguyễn Công Bằng-Hãng xe Sao Việt cho biết, giá xăng giảm 3.000đ đã giúp doanh nghiệp vận tải giảm áp lực rất nhiều. Thế nhưng, trước đây xăng tăng hơn 10 kỳ liên tiếp, dù khó khăn do lượng khách ít, các nhà xe cũng không thể tăng giá. Do đó, việc giảm giá cước tại thời điểm này đơn vị chưa tính tới.
Ông Bằng thông tin thêm, trên thực tế, câu chuyện không phải muốn tăng hay giảm là làm ngay được. Mỗi lần tăng hay giảm giá cước, thủ tục quy trình thông qua đơn vị quản lý thuế và giá cũng mất vài ngày. Giá xăng dầu lại điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần, ai mà biết được đợt điều chỉnh tới đây giá có giảm nữa hay lại tăng. Vì vậy, nếu giá xăng dầu giảm liên tục trong nhiều kỳ, thì việc giảm giá cước sẽ được doanh nghiệp tính tới.
“Mà chúng tôi cũng chỉ mong giá xăng dầu giảm để doanh nghiệp được bình ổn hơn, chứ giảm thế này vẫn chưa thể bù lại phần lỗ đơn vị phải gánh trước đây”, lãnh đạo nhà xe Sao Việt bộc bạch và chia sẻ thêm: Trước doanh nghiệp chạy gần trăm xe một ngày, nay sau hậu dịch COVID mới chạy lại được chừng 20-30 xe/ngày, lượng khách thì chỉ được 3 ngày cuối tuần là tạm ổn, các ngày trong tuần khách chỉ lác đác. Trong khi đó, giá vé xe Hà Nội-Lào Cai, đơn vị vẫn giữ giá là 250.000đ/vé/chiều, chỉ khi khách lấp đầy chừng 70-80% chỗ ngồi trên xe, thì may ra mới có lãi.
Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Sơn- chủ một doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng du lịch tại Hà Nội cho hay, trước kia đơn vị có hơn 20 xe hoạt động, nhưng sau đợt dịch chỉ còn trụ lại được 5 xe 45 chỗ để cho thuê. Qua nhiều lần xăng dầu tăng giá, cùng với việc dịch không có khách du lịch, song doanh nghiệp vẫn gắng gượng duy trì giá cước ở mức trung bình 15.000đ/km. Vì vậy, đợt giảm giá xăng dầu lần này, dù có sâu hơn lần trước song doanh nghiệp cũng chưa thể giảm giá cước ngay.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Sơn chia sẻ: Trước kia một xe có thể hoạt động cả tuần, thì nay khách quốc tế chưa có, nên chỉ có thể hoạt động mạnh vào 3 ngày cuối tuần, chủ yếu phục vụ người Việt đi du lịch trong nước. Một chuyến xe đi và về Hà Nội - Hạ Long, giờ cho thuê chỉ khoảng 10.000.000đ-11.000.000đ, trong đó chi phí cứng đã bao gồm khoảng 3.600.000đ tiền xăng dầu, gần 900.000đ phí cầu đường, 200.000 gửi xe qua đêm ở bãi, 1.500.000đ-2.000.000đ, ngoài ra còn nhiều loại chi phí khác. Nếu trừ tất cả, doanh nghiệp thu về ở một chuyến xe không còn đáng là bao. Trong trường hợp, lái xe chạy chẳng may bị phạt nguội, doanh nghiệp phải bỏ tiền nộp phạt, thì chuyến đó coi như là “lỗ”.
Đứng về phía doanh nghiệp taxi, ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (hãng taxi Vinasun), phân tích: Chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước chỉ trong 10 ngày, tại kỳ điều chỉnh giá lần này, xăng dầu giảm mạnh, nhưng giá nhiên liệu phải theo giá thế giới. Giả sử tại kỳ điều chỉnh giá sau (tức ngày 21/7) lại tiếp tục biến động tăng hoặc giảm nữa, việc điều chỉnh giá ngay lúc này là điều không thể.
“Giá cước vận tải so với giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Chẳng hạn, giá xăng dầu tăng liên tục thì phải sau hơn 3 tháng, các doanh nghiệp vận tải mới gửi đơn xin các sở, ngành cho tăng giá cước. Thường các doanh nghiệp gửi văn bản về các sở GTVT, sở tài chính, cục thuế… chờ các cơ quan đó có ý kiến. Sau 10 ngày nếu cơ quan quản lý không có ý kiến là doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm. Với taxi truyền thống, thủ tục nhiều khâu hơn. Tức là sau khi được các cơ quan quản lý đồng ý cho tăng/giảm cước rồi thì phải đưa mấy nghìn xe taxi đó về trung tâm kiểm định để cắt niêm chì đồng hồ, đăng ký giá cước mới, lập trình lại... Trung bình mỗi xe mất thời gian cắt niêm chì, thay mới ít nhất 25 - 30 phút, nhưng không phải trung tâm kiểm định lúc nào cũng rảnh để ưu tiên cho các hãng xe đăng ký làm. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường, 10 ngày, 20 ngày sau giá lại tăng trở lại, việc đệ đơn xin giảm lúc này thì chưa thể. Như tôi nói ở trên, thị trường phải nghe ngóng một thời gian đã”, ông Tạ Long Hỷ cho biết, đồng thời cũng khẳng định: “Nếu giá xăng giảm được 10% và giữ mức này ổn định ít nhất vài ba tháng, cước taxi có thể giảm khoảng 500 đồng/km”.
Trước việc xăng dầu giảm giá, nhiều người dân và doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ vận tải đã kỳ vọng cước vận tải sẽ giảm theo. Chị Như Ngọc (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự, do công việc thường xuyên phải di chuyển bằng taxi, có tháng tới 5.000.000đ (với giá trung bình từ 13.500đ -15.000đ/km) nên nếu các doanh nghiệp chỉ cần giảm giá cước 500đ/km thôi, thì mỗi tháng chi phí đi lại của chị sẽ giảm được kha khá.
Không chỉ người dân mong ngóng giảm giá cước, chị Bích Ngọc (Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu Việt-Nhật) chia sẻ: Là công ty kinh doanh nhập khẩu nên đơn vị phụ thuộc rất lớn vào giá cước vận tải nội địa lẫn quốc tế. Sau nhiều tháng giá xăng tăng liên tục, cước nội địa đến tháng 6 vừa qua báo tăng từ 10 - 12%. Nếu giá xăng dầu giảm được 10%, về lâu dài, giá cước nội địa sẽ giảm khoảng 5%.
Chị Ngọc cũng kỳ vọng: “Giá xăng nay giảm 3.000 đồng/lít nên coi là cú “hích” cho thị trường giá cả trong thời buổi khó khăn này. Doanh nghiệp vận tải giảm cước thì doanh nghiêp xuất nhập khẩu mới có cơ sở giảm bớt phần nào giá cả hàng hoá. Chúng tôi vẫn hy vọng xăng dầu giảm ổn định để mặt bằng giá cả được thiết lập lại, lợi cho cả doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá và người dân”.
https://cand.com.vn/Giao-thong/gia-xang-dau-giam-nguoi-dan-mong-cuoc-van-tai-se-giam-theo-i660072/