Giá xăng, dầu giảm mạnh từ 11/7 là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp vận tải nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến tiêu cực khiến họ không khỏi lo lắng.

Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội đánh giá việc xăng, dầu hạ "nhiệt" là tín hiệu vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành vận tải.

“Mức giảm tuy chưa được như kỳ vọng nhưng doanh nghiệp vận tải chúng tôi đón nhận rất hào hứng. Trước mắt đây là tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp dễ thở phần nào. Tuy vậy, theo dự báo, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến thất thường, rất có thể kỳ điều hành tới giá xăng dầu trong nước lại tăng. Chúng tôi hiện đang vui nhưng vẫn canh cánh nỗi lo nhiên liệu nóng lên”, ông Bằng nói.

Doanh nghiệp vận tải lo giá xăng dầu quay đầu tăng trở lại. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng nhà điều hành cần có kịch bản ứng phó với những biến động tiêu cực của giá dầu thế giới. Trong đó, lý tưởng nhất là giá dầu thế giới giảm, còn ngược lại thì phải nhanh chóng có phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

“Doanh nghiệp đón chờ sự bình ổn, mang tính vĩ mô. Liên bộ Công Thương - Tài chính cần tính toán, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu. Chỉ có như thế mới giúp hạ nhiệt giá mặt hàng chiến lược này, ngay cả khi giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao”, ông Bằng đề xuất.

Vẫn theo ông Bằng, dù kỳ điều hành này giá xăng dầu giảm khá mạnh nhưng giá vé ô tô tuyến cố định khó giảm theo. Nguyên nhân là do thời gian giữa hai kỳ điều hành giá chỉ kéo dài 10 ngày nên doanh nghiệp không thể kịp điều chỉnh. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang.

Ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng vận tải Bắc Nam, chuyên chở hàng hoá nông sản trái cây tuyến Bắc - Nam cho biết, doanh nghiệp rất mừng khi giá xăng dầu giảm. Theo tính toán của ông Quýnh, trước đây, mỗi xe đầu kéo chạy 1.000 km hết 15 triệu tiền dầu. Nay giá dầu giảm mạnh, giúp mỗi xe tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/1000 km. Đây là mức giảm đáng kể, giúp hạ giá cước vận chuyển, từ đó giảm giá hàng hoá nông sản hoa quả.

Tuy vậy, ông Quýnh cho rằng giá xăng dầu vẫn neo cao, nên cần tính toán giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như một số sắc thuế khác để giảm nhiệt. Từ đó kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp sớm hồi phục và người dân ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính (Hà Nội) lại cho rằng không nên tiếp tục giảm thuế với mặt hàng xăng dầu. Ông Thịnh chỉ ra ba nguyên nhân: Thứ nhất, giá xăng dầu trong nước hiện nay lên xuống theo giá dầu thế giới. Khi giá dầu thế giới tăng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo. 

Ngoài ra, hiện nay thuế đánh trên mặt hàng xăng dầu sau ngày 11/7 là rất thấp (khoảng 27%, trong khi đa số các nước là 40 - 45%). Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt lại phụ thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội. 

Đáng chú ý, theo ông Thịnh, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường nên doanh nghiệp cũng như người dân cần chấp nhận biến động thị trường.

"Doanh nghiệp người dân xác định sống chung với lũ. Theo kinh tế thị trường thì phải chấp nhận biến động của thị trường. Nhà nước cũng đã làm hết vai trò của mình rồi. Nhà nước cần làm là tạo khuôn khổ pháp lý để thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch", chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Thịnh cho rằng nhà nước có thể tính toán hỗ trợ một số ngành, nghề chịu thiệt hại nặng nề như vận tải, đánh cá… “Việc hỗ trợ không thể cào bằng mà có sự tính toán, để thúc đẩy sản xuất. Ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu thì hỗ trợ nhiều”, chuyên gia nói.

Từ 0h ngày 11/7, mỗi lít xăng giảm 3.088 - 3.103 đồng, còn các mặt hàng dầu cũng hạ 2.008 - 3.022 đồng/lít/kg. Như vậy, giá xăng đã rời đỉnh kỷ lục là hơn 30.000 đồng/lít.

https://vtc.vn/xang-giam-sau-3-000-dong-lit-doanh-nghie-p-va-n-ta-i-van-canh-canh-noi-lo-ar687167.html

HOÀ BÌNH / VTC News