Được truyền cảm hứng từ phong trào #MeToo, ngày càng có nhiều nạn nhân bị quấy rối, tấn công tình dục dũng cảm nói lên sự thật
Phong trào #MeToo (tạm dịch "#Tôi cũng vậy") đang được hưởng ứng ở nhiều nước trên thế giới đã giúp phanh phui hàng loạt vụ bê bối trong chính trường khiến không ít quan chức lao đao.
Sự nghiệp lao dốc
Nạn quấy rối tình dục trong chính trường Nga đang thu hút sự chú ý hơn bao giờ hết sau phát ngôn gây tranh cãi của Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin. Ông Volodin khuyên các nữ phóng viên làm việc tại quốc hội nên nghỉ việc nếu cảm thấy bản thân bị đe dọa vì nạn quấy rối tình dục và cho rằng một loạt cáo buộc tương tự nhằm vào nghị sĩ Leonid Slutsky nhằm làm mất uy tín của ông.
Ông Volodin đưa ra phát biểu trên sau khi có 3 nữ phóng viên công khai cáo buộc ông Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của hạ viện, có những lời lẽ và hành vi không phù hợp, phá vỡ sự im lặng đối với một chủ đề còn bị xem là điều cấm kỵ ở Nga. Phóng viên Farida Rustamova làm việc ở văn phòng đài BBC tại Nga cho biết vụ quấy rối xảy ra một năm trước, khi cô phỏng vấn ông Slutsky về chuyến thăm Nga của cựu ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen.
Phụ nữ Hàn Quốc tuần hành mang theo khẩu hiệu phong trào #MeToo ở thủ đô Seoul hôm 8-3 Ảnh: ASIA TIMES
Theo báo The Times (Anh), cô Rustamova chia sẻ trên Facebook rằng cô lo lắng cho sự an toàn của mình vì ông Slutsky là một chính trị gia có ảnh hưởng và có nhiều bạn bè quyền lực. Trước đó, cô Daria Zhuk, đạo diễn tại đài truyền hình Dozhd, cáo buộc ông sử dụng lời lẽ thô tục, cố đụng chạm và hôn cô tại phòng thu của đài vào năm 2014. Còn cô Yekaterina Kotrikadze, Phó Tổng biên tập đài truyền hình RTVI, cũng tố ông Slutsky có hành vi không đúng đắn với mình vào năm 2011.
Hai nữ phóng viên Rustamova và Zhuk đã gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban Đạo đức Duma quốc gia Nga. Tuy nhiên, các khiếu nại này chỉ được xem xét sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 18-3. Trong diễn biến mới đe dọa đến sự nghiệp chính trị của ông Slutsky, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng tố nghị sĩ 50 tuổi này có hành vi quấy rối tình dục cô. Trước sức ép từ dư luận, hôm 8-3, ông Slutsky lần đầu lên tiếng xin lỗi nhưng khẳng định ông không có ý làm hại ai.
Trước khi lan sang Nga, phong trào #MeToo đã "làm mưa làm gió" trong chính trường Canada. Hồi tháng 1, ông Patrick Brown, một ngôi sao chính trị đang lên, phải từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ Tiến bộ Ontario sau khi bị bủa vây bởi các cáo buộc có hành vi tình dục sai trái. Đến cuối tháng 2, ông Brown bất ngờ tuyên bố rời khỏi cuộc đua tranh cử lãnh đạo đảng bất chấp trước đó cố tìm cách duy trì quyền lực. Cựu lãnh đạo này biện hộ cho hành động nói trên là để tập trung thời gian chứng minh cho sự trong sạch của bản thân, bảo vệ gia đình và bạn bè trước sự chú ý của truyền thông và ủng hộ đảng mình.
Tăng án phạt
Sự nghiệp chính trị của ông Brown bắt đầu lao dốc khi kênh truyền hình CTV News (Canada) hôm 24-1 đưa tin 2 phụ nữ cáo buộc ông Brown có hành vi tình dục sai trái với họ khi còn trẻ. Trường hợp đầu tiên xảy ra cách đây một thập kỷ khi ông Brown ở độ tuổi gần 30 và gặp một cô gái được cho là vị thành niên trong một quán rượu. Vụ quấy rối tình dục thứ hai diễn ra vào năm 2012, liên quan đến một cô gái 19 tuổi làm việc trong văn phòng của ông, khi đó đang là nghị sĩ liên bang.
Một trường hợp tiêu tan sự nghiệp khác vì phong trào #MeToo là ông An Hee-jung, người từng được xem là ứng viên tổng thống Hàn Quốc tiềm tàng. Ông An hôm 6-3 tuyên bố từ chức thống đốc tỉnh Chungcheong Nam và rời chính trường sau khi nữ thư ký nói đã bị ông cưỡng hiếp 4 lần trong 8 tháng cộng thêm nhiều lần quấy rối tình dục. Phản ứng trước vụ bê bối chấn động này, chính phủ Hàn Quốc hôm 8-3 công bố kế hoạch tăng cường hình phạt tối đa dành cho tội phạm tấn công tình dục (từ 5 lên 10 năm) và kéo dài thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này (từ 7 lên 10 năm). Nhà chức trách cũng sẽ tạo điều kiện để nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc trình báo ẩn danh về những gì xảy ra với mình, trong lúc xem xét tăng cường xử phạt những công ty nào bị phát hiện lơ là tình trạng này.
Phong trào #MeToo ở Hàn Quốc lan rộng sau khi một nữ công tố viên hồi tháng 1 tiết lộ từng bị một đồng nghiệp cấp cao tấn công tình dục vài năm trước. Sau đó, một loạt cáo buộc được đưa ra từ nạn nhân nữ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và tôn giáo. Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc Chung Hyun-back nhận định phong trào #MeToo đã góp phần thu hút sự chú ý đối với vấn đề quấy rối, tấn công tình dục tại một xã hội vẫn còn đối mặt sự bất bình đẳng giới.
Bê bối quấy rối tình dục trong quán karaoke, nghị sĩ Hàn Quốc từ chức Thành viên trong đảng của Tổng thống Moon Jae-in ra quyết định sau khi bị cáo buộc có hành vi cưỡng hôn và kéo khóa ... |
Nhạc trưởng danh tiếng bị sa thải vì bê bối tình dục Nhà hát Opera Metropolitan (Met) ở New York – Mỹ đã quyết định sa thải nhạc trưởng danh tiếng James Levine sau khi tìm ra ... |
Sao nam Hàn qua đời sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục 20 người Nam diễn viên gạo cội Jo Min Ki được tìm thấy đã tắt thở tại một bãi đỗ xe sau hàng loạt cáo buộc quấy ... |