Nhóm SOS Sài Gòn trong bài viết Cứu nạn đêm khuya miễn phí (Báo Thanh Niên, đăng ngày 12.12) đã lọt vào danh sách đề cử hạng mục Nhóm có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng của giải thưởng WeChoice Awards 2017.
Hình ảnh nhóm SOS Sài Gòn cứu nạn đêm khuya miễn phí đã trở nên quen thuộc với nhiều người X.P |
Hàng ngàn cuộc gọi, tin nhắn động viên, chúc sức khỏe
Hồ Tuấn Sáng (30 tuổi, quê ở Nghệ An, nhóm trưởng) chia sẻ: “Rất bất ngờ và vui mừng khi nhóm SOS Sài Gòn được lọt vào danh sách đề cử giải thưởng WeChoice Awards 2017 (giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng trong năm - PV)". Được biết nhóm đã được “đề cử bổ sung” sau khi bài viết về nhóm được đăng tải trên Báo Thanh Niên.
Sáng kể, sau khi bài báo ấy được đăng, hai số điện thoại 0974131709 và 0931883119 (để người dân gọi đến nếu gặp tình cảnh: xe hư, gặp tai nạn hay bị đe dọa... ở TP.HCM giữa đêm mà không biết cầu cứu ai thì các thành viên SOS Sài Gòn sẽ có mặt, ứng cứu, hỗ trợ kịp thời, hoàn toàn miễn phí) luôn trong tình trạng “cháy máy”.
“Chúng tôi đã nhận được hàng ngàn tin nhắn và cuộc gọi điện thoại của người dân khắp cả nước. Người thì nhắn tin hỏi thăm, động viên, người thì gọi điện thoại chúc các thành viên có thật nhiều sức khỏe để có thể làm việc có ích cho cuộc sống…”, Sáng kể.
Chàng trai 30 tuổi này cũng thú thật: “Đến nay, sau 10 ngày, chúng tôi vẫn \'nợ\' trả lời khoảng 600 tin nhắn. Bởi lẽ ngày càng nhiều người nhắn tin, gọi điện. Chưa kể trên Facebook, Zalo, lượng tin nhắn cũng rất nhiều”.
Những tin nhắn động viên nhóm SOS Sài Gòn của bạn đọc Báo Thanh Niên Ảnh: X.P
Tiếp tục "làm chuyện bao đồng đêm khuya"
Và việc được lọt vào danh sách đề cử hạng mục “Nhóm có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng” của giải thưởng WeChoice Awards 2017 đã khiến các thành viên vơi đi nhiều nỗi buồn từng trải qua trong suốt quãng thời gian “đi làm chuyện bao đồng đêm khuya”, để tiếp tục làm những điều có ích, có ý nghĩa cho cuộc đời.
Người viết hỏi “nhiều nỗi buồn” ấy là gì? Sáng tâm sự: “Đó là những lần bị nhiều người trách mắng vô cớ. Ai cũng biết Sài Gòn rộng lớn biết nhường nào. Vậy mà có khi đang cứu nạn ở Q.Bình Thạnh, có người lủng xe ở Q.12 gọi điện nhờ giúp đỡ, chúng mình nói chờ khoảng vài chục phút để đủ thời gian di chuyển từ Q.Bình Thạnh lên Q.12, nhưng họ lại la mắng vì cho họ chờ đợi lâu. Nghĩ lại mà buồn lắm”.
Hay cả vô số lần giúp đỡ các nạn nhân té xe nhưng lại bị chính người nhà các nạn nhân chửi mắng, thậm chí lao vào hành hung… Và cả nhiều lần hai số điện thoại nóng ấy bị gọi điện chọc phá…
“Nhưng khi đối diện với nhiều nỗi niềm như vậy, khiến chúng mình quen. Chúng mình không cho phép buồn. Thay vào đó, vẫn làm mọi việc bằng cả cái tâm, vẫn \'làm chuyện bao đồng\' vào những đêm khuya. Hễ ai bị xe hư, gặp tai nạn hay bị đe dọa... ở TP.HCM giữa đêm mà không biết cầu cứu ai thì các thành viên SOS Sài Gòn sẽ có mặt, ứng cứu, hỗ trợ kịp thời, hoàn toàn miễn phí”, Sáng tâm sự thêm.
Cũng theo người đội trưởng này, thì khi bài báo Cứu nạn đêm khuya miễn phí trên Báo Thanh Niên, số lượng cuộc gọi nhờ hỗ trợ tăng vọt. Từ 5,7 cuộc gọi mỗi đêm, thì giờ đây mỗi đêm chúng mình nhận đến 50, 60 cuộc gọi nhờ giúp đỡ.
“Có đêm chúng mình giúp được tất cả các trường hợp, nhưng có đêm thì chỉ có thể giúp được vài chục vụ. Vì Sài Gòn thì rộng lớn quá, mà nhân sự của nhóm thì còn ít. Dù đã tăng thêm 10 thành viên nhưng như thế vẫn chưa đủ để có thể giúp đỡ người dân ở khắp các quận, huyện”, Sáng nói.
Nếu như trước đây, các thành viên trong nhóm đảm nhiệm những công việc khác nhau như: người phụ trách cứu thương, người chuyên sửa chữa xe… thì giờ đây các thành viên bắt đầu tự học tất cả các kỹ năng ấy để có thể gặp bất kỳ trường hợp nào cũng có thể giúp đỡ được, qua đó có thể giúp được thật nhiều người.
Đặng Đức Thắng, thành viên của nhóm, cho biết, một tuần nay cả nhóm đã bắt đầu học thêm tiếng Anh giao tiếp. “Chúng tôi gặp nhiều trường hợp người nước ngoài muốn giúp đỡ, nên học thêm tiếng Anh để dễ dàng trò chuyện với họ hơn”. Thắng giải thích.
Được biết, đến nay nhóm SOS Sài Gòn đã từng giúp đỡ hàng chục trường hợp người nước ngoài. Tối 14.12, khi nhóm đang đi trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh) thì thấy hai người nước ngoài đang dắt xe. “Chúng tôi dừng lại và nói muốn được giúp đỡ. Sau đó đưa xe của họ, cũng như chở hai người này đến cây xăng để đổ. Họ hỏi lấy tiền công bao nhiêu? Chúng tôi cười kêu hoàn toàn miễn phí, chỉ là giúp đỡ thôi. Họ cười và thốt lên: “Bạn trẻ Việt Nam tốt bụng quá”. Nghe mà vui vô cùng vì đã để lại một ấn tượng đẹp trong lòng người nước ngoài”, Thắng kể lại.
Sáng tâm sự thêm, kể từ khi bài báo Cứu nạn đêm khuya miễn phí trên Báo Thanh Niên, khi nhóm ra đường đã được mọi người biết đến nhiều hơn. Xúc động nhất là vào đêm 16.12, khi cả nhóm đang đi, có một xe hơi dừng lại, người tài xế gọi các thành viên đến và… cho vài chục ngàn. “Nghe anh bảo thấy tụi em đi giúp người đêm khuya, nên thương và cho ít tiền để các thành viên ăn đêm ấm bụng. Mọi người ai cũng vui”.
Nhưng theo Sáng, niềm vui lớn nhất mà nhóm có được, đó chính là tạo được niềm tin của người dân. “Nhiều người cho biết đã thuộc lòng hai số điện thoại nóng của nhóm để gọi điện thoại nhờ giúp đỡ khi có việc cần. Rồi không chỉ bị xe hư, tai nạn… nhiều người bị mất xe, làm mất giấy tờ, tìm người thân… cũng gọi đến nhóm nhờ hỗ trợ. Chúng mình tự thấy được áp lực nặng nề hơn, nên sẽ cố gắng thật nhiều để đáp lại sự mong đợi của người dân. Nhóm mình cũng mong rằng, không chỉ có SOS Sài Gòn, ngày sẽ càng có nhiều đội, nhóm, cá nhân tình nguyện sống vì cộng đồng, để cùng chia sẻ thông điệp “đừng sống vô tâm”. Có như vậy thì TP.HCM sẽ rất ấm áp tình người”, Sáng mong muốn.
Muốn thành "người hùng", y tá sát hại hơn 100 bệnh nhân? Các công tố viên cho biết dựa theo các xét nghiệm độc tính, có thể thấy một y tá người Đức có thể đã giết ... |
Người hùng lao ra biển cứu hơn 200 ngư dân bị lật bè trong bão số 12 Trong lúc dọn dẹp công ty, anh Luân cùng 7 nhân viên phát hiện ngư dân gặp nạn trên biển nên đã dùng ca nô ... |