Hồ Tuấn Sáng (30 tuổi, quê Nghệ An), Trưởng nhóm SOS Sài Gòn, nói như reo: 'Hôm nay là một ngày đặc biệt'.
Đặc biệt, là vì điện thoại của Sáng và của một người cùng nhóm (chủ nhân của hai số điện thoại: 0974131709 và 0931883119, dành cho những ai hư xe, gặp tai nạn hay bị đe dọa... ở TP.HCM giữa đêm mà không biết cầu cứu ai, liên hệ để các thành viên SOS Sài Gòn sẽ có mặt, ứng cứu, hỗ trợ kịp thời, hoàn toàn miễn phí) chưa bao giờ nhận được nhiều cuộc gọi như thế. "Điện thoại mình muốn cháy luôn khi nhận hàng trăm cuộc gọi của bạn đọc", Sáng cười cho biết.
Có người khóc vì hành động \'lo chuyện bao đồng\' của nhóm
Ngay trong ngày 12.12, khi Báo Thanh Niên đăng bài Cứu nạn đêm khuya miễn phí. hai số điện thoái nóng của nhóm chưa bao giờ nóng như thế. "Nhiều người gọi đến lắm. Không chỉ ở TP.HCM mà có người ở Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đà Nẵng, Hà Nội... Họ gọi đến để gởi lời chúc cả nhóm sức khỏe để có thể làm nhiều việc tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Có người thì gửi những lời động viên, những lời tràn ngập yêu thương. Có người thì gọi hỏi có phải nhóm SOS Sài Gòn không, để lưu lại và gọi mỗi khi gặp sự cố cần giúp đỡ...", Sáng kể. Đặc biệt, không ít người 70, 80 tuổi cũng đã gọi điện thoại đến nhóm SOS Sài Gòn vào ngày 12.12. "Có một cô đã 75 tuổi ở Long An gọi điện thoại rồi khóc. Cô nói việc làm của nhóm đã làm cô xúc động nên phải gọi điện hỏi thăm. Rồi có chú đã 80 tuổi nhưng gọi điện và bảo cảm kích nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái của mọi người trong nhóm", Sáng cho biết. Không chỉ là hàng trăm cuộc gọi, hai số điện thoại ấy và tài khoản Zalo, Facebook của Sáng còn nhận hàng trăm tin nhắn từ những người chưa từng quen biết, trên khắp cả nước. "Đó là những lời hỏi thăm: làm việc buổi khuya như vậy có mệt không? Đi làm chuyện "bao đồng" như thế thì thời gian đâu đi làm, cố gắng giữ sức khỏe nhé. Hay những tin nhắn bày tỏ sự cảm kích...", Sáng chia sẻ.
Những tin nhắn động viên, cảm ơn của bạn đọc Báo Thanh Niên dành cho nhóm SOS Sài Gòn (Ảnh: X.P) |
Tôi hỏi cảm xúc của Sáng như thế nào khi nhận những cuộc gọi, tin nhắn ấy? Chàng trai người Nghệ An này cười: "Mình luôn nghĩ câu chuyện cứu nạn đêm khuya là bình thường. Giúp được người khác để góp phần giúp cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn là cách để bản thân mình có được niềm vui và hạnh phúc. Nhưng thật sự bất ngờ với tình cảm của mọi người dành cho mình và các thành viên trong nhóm SOS Sài Gòn. Mình biết từ nay, trách nhiệm đặt trên vai các thành viên sẽ nặng nề hơn, áp lực hơn. Và có lẽ, nhóm sẽ nhận nhiều cuộc gọi nhờ giúp đỡ hơn, qua đó sẽ tất bật hơn, bận bịu hơn hàng đêm".
Ước gì có thể giúp nhiều người hơn Ngay tối 12.12, ngày bài báo đăng trên Thanh Niên , Sáng cũng đã nhận hàng chục cuộc gọi nhờ giúp đỡ. Sáng tâm sự: "Hiện tại, cả nhóm có khoảng 20 thành viên, nên luôn ước gì nhóm đông hơn để có thể có mặt khắp các quận, huyện ở Sài Gòn để giúp đỡ mọi người".
Các thành viên trong nhóm SOS Sài Gòn rong ruổi khắp nẻo đường vào giờ khuya để cứu nạn miễn phí (Ảnh: X.P) |
Thành viên nhóm SOS Sài Gòn vá xe giúp người dân (Ảnh: X.P) |
Sáng chia sẻ như vậy vì không ít lần khi nhóm đang cứu người ở Q.1, nhưng nhận cuộc gọi của một người cho biết đang hư xe ở Q.12 cần giúp đỡ ngay. "Khi trả lời rằng: "dạ, anh chờ em một lát sẽ tranh thủ chạy từ Q.1 về Q.12 thì bị người ấy trách cứ, nói là "thấy thất vọng quá". Mỗi lần không được thông cảm như vậy, các thành viên buồn lắm, chỉ biết tự an ủi nhau không được buồn. Nếu như nhóm có đông thành viên hơn, sẽ chia mỗi nhóm túc trực 3, 4 quận, và sẽ giúp được tất cả các trường hợp. Chứ nhóm 20 người, còn Sài Gòn này rộng lớn vô cùng", Sáng tâm sự.
Thành viên nhóm SOS Sài Gòn sửa xe miễn phí cho một người ở đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) (X.P) |
\' Người trẻ Việt Nam tốt bụng đến vậy\' !
Còn Hữu Tiến, thành viên trong nhóm, thì cho biết từ ngày thành lập đến nay, nhóm SOS Sài Gòn đã cứu nạn đêm khuya cho gần chục trường hợp người nước ngoài, là những anh chàng, cô nàng đến từ Mỹ, Pháp, Úc. "Có anh chàng người Pháp kể, một lần lủng xe ở Q.2, vì khuya quá, phải dắt bộ lên tận Q.3 mới tìm được nơi vá xe. Nhưng chủ tiệm sửa xe ấy đã "chém đẹp" giá 1 triệu đồng. Ngày tụi mình giúp sửa xe miễn phí, anh chàng ấy đã tỏ vẻ bất ngờ và cho biết: "Không ngờ người trẻ Việt Nam lại tốt bụng đến vậy". Cũng từ câu chuyện này mà Sáng đã nghĩ đến việc cần nâng cao khả năng ngoại ngữ cho các thành viên trong nhóm SOS Sài Gòn. "Mỗi lần gặp người nước ngoài, chúng mình chỉ biết nói vài câu "xin chào, tạm biệt, tôi sẽ giúp đỡ bạn", chứ còn hạn chế việc giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Nên các thành viên phải trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh để giúp đỡ được nhiều người nước ngoài hơn", Sáng chia sẻ lý do.
Các thành viên nhóm SOS Sài Gòn mong muốn được giúp đỡ, cứu nạn người dân ở khắp các quận, huyện tại TP.HCM (Ảnh:X.P)
Sáng hy vọng câu chuyện của nhóm SOS Sài Gòn, những người cứu nạn đêm khuya miễn phí, sẽ góp phần khơi gợi lòng tốt của nhiều người. "Mình luôn mường tượng về một Sài Gòn ấm áp tình người, ai nấy đều yêu thương nhau, giúp đỡ nhau. SOS Sài Gòn chỉ là một nét vẽ trong bức tranh Sài Gòn cực kỳ đẹp đó. Muốn mọi người chung tay vẽ thêm những nét còn lại. Và tin chắc rằng bức tranh đẹp về Sài Gòn ấy sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa", Sáng chia sẻ.
Sáng cho biết dù sinh ra ở Nghệ An nhưng đã vào TP.HCM sinh sống, học tập và làm việc suốt 14 năm. Chính vì thế tình yêu của anh dành cho mảnh đất này rất nhiều.
"Mình coi TP.HCM là quê hương thứ hai. Và một khi đã yêu thì trong tâm trí mình luôn nghĩ đến việc: phải làm điều gì đó thật sự ý nghĩa. Và việc lập nhóm SOS Sài Gòn chính là hành động của mình để thể hiện tình yêu ấy", Sáng bộc bạch.
Đừng vào nhóm SOS Sài Gòn chỉ để cho vui Sau bài viết Cứu nạn đêm khuya miễn phí được đăng tải, nhiều bạn đọc thắc mắc: "Muốn xin làm thành viên của SOS Sài Gòn để cùng chung tay giúp đỡ cộng đồng thì phải làm thế nào, cần tiêu chí gì?". Sáng tâm sự: "Đã có nhiều người từng là cựu thành viên của nhóm, rồi họ lần lượt rời bỏ vì không có thời gian, không đủ sức khỏe, hoặc vì họ không muốn làm chuyện bao đồng nữa. Có người chỉ theo nhóm được một, hai ngày rồi nghỉ. Thế nên mong những ai muốn là thành viên của nhóm, hãy giúp đỡ người khác, giúp đỡ cộng đồng bằng sự nhiệt huyết và xuất phát từ trái tim thật sự. Khi làm bằng cái tâm, bằng cả con tim như vậy thì chắc chắn sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Còn làm bằng những cảm xúc nhất thời, muốn vào nhóm để đi theo cho vui... thì khó có thể theo nhóm lâu được". |
Tình người cao hơn sóng dữ Việc một giám đốc công ty cùng 7 nhân viên liều mình lao vào tâm bão giữa những con sóng dữ để cứu 200 người ... |
Biệt đội cứu hộ, cứu nạn nơi… rốn lũ! Tại những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn trong mùa mưa, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 2 địa ... |