Lời khai của nghi phạm lớp 11 tại Nghệ An khai giấu bé trai 5 tuổi dẫn tới cái chết thương tâm là do “làm theo game” đang khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình. Tại Việt Nam, đã có nhiều trẻ em vi phạm pháp luật, bị mắc các chứng rối loạn tinh thần xuất phát từ nghiện game.
Nhiều vụ việc thương tâm
Lật lại các vụ án liên quan tới nghiện game trong giới trẻ trước đây, mới thấy được phần nào sự nguy hại của nghiện game mà trước nay nhiều phụ huynh đã lơ là.
Tháng 5.2019, một thanh niên xông vào Trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) dùng dao đâm chém loạn xạ khiến một học sinh lớp 5 tử vong, 4 học sinh và 1 cô giáo bị thương. Điều tra của công an cho thấy thanh niên trên có biểu hiện nghiện game.
Năm 2018, vụ án mạng xảy ra ở huyện Quế Phong, Nghệ An khi cậu bé 11 tuổi dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong. Nguyên nhân do hai người tranh luận về một nhân vật trong game dẫn tới xích mích. Một trường hợp khác, hai học sinh 13 tuổi ở Thái Nguyên đã sát hại một người bà họ để cướp tiền chơi game.
Năm 2017, ở Bình Thuận, do mâu thuẫn trong lúc chơi game một thiếu niên 14 tuổi đã rút dao đâm bạn tử vong.
Để kiếm tiền chơi game online, một thiếu niên ở Hải Dương đã giết cha của mình. Một trẻ khác tại Hà Nội đầu độc em họ của mình sau khi mưu toan bắt cóc đòi tiền chuộc để chơi game bất thành…
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp trẻ đột tử do kiệt sức, suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài, liên tục. Điểm lại hàng loạt sự việc khiến người ta phải giật mình.
Trong nghiên cứu về vấn nạn nghiện game ở thanh thiếu niên Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục - Trường Đại học Giáo dục - cho biết: Học sinh bắt đầu chơi game khi còn rất nhỏ tuổi.
Phần lớn học sinh đều chơi các thể loại game có nội dung và tính chất không phù hợp với độ tuổi thực tế của người chơi. Loại game dành cho người từ 13 tuổi và 17 tuổi có tính bạo lực và yếu tố tình dục ở mức độ nhất định được các em lựa chọn chơi nhiều hơn.
Các biển hiện để phân biệt có bị nghiện game hay không. Nguồn: PGS.TS Trần Thành Nam |
"Có những vụ án được hung thủ lấy ý tưởng từ game. Những trò chơi, hành động trên các game đã trở thành gợi ý cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Những kẻ phạm tội có ảnh hưởng từ game đều rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật. Lâu dần, người nghiện game có thể mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Dễ trở thành hung thủ gây án
Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những cảnh báo về hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lí.
Khi nghiệm game, trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình.
Thậm chí, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản, tước đoạt tính mạng của người khác.
Về mặt tinh thần, trẻ nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lí, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game. Phần khác do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực.
Trẻ đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.
TUỆ NHI
Từ vụ bé trai 5 tuổi bị sát hại: Quản lý các "siêu" quán game còn lỏng lẻo? Liên quan vụ bé trai 5 tuổi bị sát hại ở Nghệ An, nghi phạm khai đã đưa bé đi "giấu" để thực hiện theo ... |
ĐBQH: Gameshow truyền hình bất chấp đạo đức, biến trẻ thành con rối ĐBQH lên án các Gameshow truyền hình cho trẻ em chạy theo lợi nhuận, sử dụng chiêu trò, bất chấp đạo đức, biến những đứa ... |