Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
- Choáng váng với giá đất ăn theo cao tốc
- Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường "phân trần" về định giá đất
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng đất đai vốn không phức tạp, nhưng với các tác động, các mối quan hệ qua lại, đất đai từ đơn giản thành biến dạng, nhạy cảm, phức tạp, đôi lúc là “nóng”, “sốt”. Cứ nghĩ đến đất, giá đất là nhiều người muốn sở hữu lại lạnh hết cả người.
Với những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn chồng chéo như luật hiện hành với nhiều luật khác, đại biểu bày tỏ sự tán thành và nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, từ đó giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi).
Từ đó, ông Dương Khắc Mai góp ý cụ thể một số nội dung như: đưa quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Chương 10 lên trước Chương 6 để đảm bảo tính logic theo tuần tự là công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, trưng dụng thu hồi đất...
Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Mai đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất". Theo ông, quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cho nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Đồng thời, đối với các địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn huyện thì không thể thực hiện theo quy định trên. Đối với quy định Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng tự nhiên.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng chỉ ra rằng, Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Như vậy, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất nhưng thu tiền thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, không giao đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân. Do đó, không thống nhất với quy định tại khoản 5, điều 17 của Luật Lâm nghiệp năm 2017.
"Tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về các trường hợp giao đất, thuê đất, thu tiền thuê đất 1 lần…chưa phù hợp với từng địa phương. Nếu quy định như dự thảo luật, những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn khó thu hút nhà đầu tư", đại biểu Mai nói.
Đất đai vốn không phức tạp, nhưng với các tác động, các mối quan hệ qua lại, đất đai từ đơn giản thành biến dạng, nhạy cảm
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông)
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) cho rằng, qua rà soát thì nhiều thủ tục quản lý Nhà nước về đất đai (khoảng 18 thủ tục) có quy định thẩm quyền giải quyết thuộc UBND tỉnh, tức là thẩm quyền chung theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong khi đó, bộ thủ tục hành chính lại quy định thời gian cụ thể cho từng cấp, từng ngành, phần lớn thì giải quyết trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Như vậy, trên thực tế nếu lãnh đạo UBND tỉnh ký để giải quyết các thủ tục hành chính thì có thể đảm bảo theo quy định về thời gian đối với quy định và bộ thủ tục hành chính nhưng lại không đảm bảo theo thẩm quyền theo quy định.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân, nếu lấy ý kiến theo đúng thẩm quyền, tức là phải họp hội nghị UBND tỉnh hoặc lấy ý kiến của các thành viên thì không đảm bảo thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi luật lần này cùng với các văn bản hướng dẫn luật, cần quan tâm đến việc phân định rõ thẩm quyền, những nội dung, những vấn đề lớn thì giao thẩm quyền cho UBND tỉnh, còn không thì giao lại cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết.
Cũng theo đại biểu Xuân, một số quy định hiện nay chúng ta thấy có thể hiểu và áp dụng theo nhiều nghĩa khác nhau, mỗi địa phương hoặc là từng hồ sơ thì có thể có nhiều cách áp dụng với cùng một điều luật. Điều này dẫn đến tình trạng người sử dụng sẽ thực hiện theo cách có lợi cho mình nhất. Như vậy, dễ dẫn đến tiêu cực là ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc áp dụng theo hướng an toàn cho mình nhất nên sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị trong sửa đổi lần này, ban soạn thảo cần quan tâm đến các câu từ nội dung đưa vào để tránh hiểu theo đa nghĩa vì tình trạng hiểu theo đa nghĩa sẽ dẫn đến những cái sai sót trong quá trình thi hành pháp luật.
Đại biểu Lê Đào An Xuân tranh luận tại hội trường.
Ngoài ra, đại biểu Lê Đào An Xuân cho biết, trong những ngày qua, các đại biểu nhắc nhiều đến việc là viên chức, công chức ngành y tế, giáo dục có sự dịch chuyển do các cơ chế, chính sách không phù hợp nhưng có một hiện thực chưa được nhắc đến đó là công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường cũng có một tỷ lệ dịch chuyển lớn. Người xin nghỉ việc, người chủ động xin chuyển công tác hoặc chuyển vị trí công tác và kể cả người đã nghỉ để chuyển công tác hay những người còn lại thì cũng có một nỗi băn khoăn, nhiều lúc không biết là hồ sơ mình đang xử lý có sai sót gì hay không, hay vài năm nữa thì mới phát hiện sai sót. "Đây là một áp lực pháp lý rất lớn mà cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và môi trường đang phải chịu", đại biểu Lê Đào An Xuân nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị: "Chính phủ khẩn trương ban hành việc sửa đổi các vướng mắc hiện nay trong 2 năm tới, đó là sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo không kiềm chế sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như không làm mất thêm cán bộ".