Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA đạt hiệu quả cao, TP Đà Nẵng đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc, tin cậy với nhà tài trợ.

Ngày 14/10, tại Hội nghị thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng Đà Nẵng, ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các nhà tài trợ đánh giá Đà Nẵng sử dụng vốn ODA hiệu quả.

Từ năm 1999 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn ODA khoảng 426 triệu USD, trong đó: 22 dự án hoàn thành với tổng vốn đầu tư là 86,34 triệu USD; 8 dự án đang được triển khai thực hiện với tổng vốn ODA 423,68 triệu USD.

Những dự án với tổng số vốn ODA 314 triệu USD đang được TP Đà Nẵng tập trung thực hiện gồm: Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng do WB tài trợ.

Dự án Đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 do ADB. Dự án Trung tâm khu vực miền Trung về y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Dự án Hạn mức tín dụng của AFD dành cho Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng. Dự án Tăng cường tác động của cải cách hành chính TP Đà Nẵng do UNDP tài trợ.

Các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA TP Đà Nẵng chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, giao thông; xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông; cung cấp trang thiết bị y tế kỹ thuật cao... đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP Đà Nẵng.

Đặc biệt, với 2 dự án sử dụng ODA là cảng Tiên Sa, dự án hầm đường bộ Hải Vân kết nối vùng và quốc tế cùng các dự án hạ tầng khác đã góp phần tăng số doanh nghiệp của Đà Nẵng lên 100 lần.

Báo Đầu tư dẫn nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Đà Nẵng đảm bảo tốt các điều kiện đối ứng cam kết trong hiệp định: Đảm bảo bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng, đáp ứng tiến độ giải ngân các dự án ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ. Thực hiện tốt công tác giải tỏa đền bù, GPMB bàn giao đúng thời hạn để các dự án ODA được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA đạt hiệu quả cao, TP Đà Nẵng đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc, tin cậy với nhà tài trợ.

Cũng liên quan đến việc sử dụng vốn ODA, tại Đà Nẵng có một dự án đặc biệt từng lên tiếng từ chối nguồn vốn vay ODA, đó là dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.

Cách đây 2 năm, ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng từng tuyên bố “không cần vay vốn ODA” và "nếu không huy động được nguồn vốn trong nước để làm cảng sẽ từ chức", gây ngạc nhiên cho Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ (lúc bây giờ) và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lẫn lãnh đạo các sở ban ngành tham dự cuộc họp mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.

Lý do, sau nhiều lần làm việc UBND TP Đà Nẵng đã kiến nghị với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được vay vốn ODA của Nhật Bản vì dự án được TP Đà Nẵng hết sức quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của TP.

Theo đó, phía Nhật đã đồng ý tài trợ vốn cho dự án này với số tiền khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát và Nhật đồng ý tài trợ để chuẩn bị khởi công dự án năm 2016 thì phía cảng Đà Nẵng đề nghị “xin không vay nữa” mà huy động nguồn tự có để đầu tư.

Từng trao đổi với Đất Việt về dự án này vào năm 2016, khi dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 khởi công, ông Sia cho biết, so với việc sử dụng vốn ODA, khi dự án tự thu xếp vốn, quy mô đầu tư không hề thay đổi và doanh nghiệp đầu tư theo kiểu cuốn chiếu của Việt Nam, tiết kiệm vốn hơn nhiều.

"Vốn ODA tuy có thế mạnh là vốn lớn nhưng lại dàn trải đầu tư mặt bằng. Bây giờ chúng tôi đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị, hạ tầng phát triển đến đâu, đầu tư trang thiết bị theo đến đó", ông Sia nói.

/ Theo báo Đất Việt