Guo Wengui, 54 tuổi, một ông trùm kinh doanh bị chính phủ Trung Quốc săn lùng từ lâu và có quan hệ thân thiết với nhân vật nổi bật trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bị bắt hôm 15-3 tại New York do liên quan đến âm mưu lừa đảo trị giá 1 tỷ USD.
- Những đại gia Trung Quốc gặp họa sát thân vì "giấc mơ Pháp"
- Đại gia Trung Quốc mất mạng vì thích nhìn trộm bằng ống nhòm
Guo Wengui là đối tượng đang bị Trung Quốc truy nã |
Các công tố viên Mỹ cho biết, đó một âm mưu lừa đảo phức tạp, trong đó Guo Wengui đã lừa dối hàng trăm nghìn người theo dõi trực tuyến ở Mỹ và trên toàn thế giới rồi biển thủ hàng trăm triệu USD. Công tố viên liên bang hàng đầu ở Manhattan, luật sư Damian Williams cho biết, Guo bị buộc tội “sử dụng tiền biển thủ để tiêu xài cá nhân và cho người thân bao gồm mua biệt thự, xe sang, thậm chí là một chiếc du thuyền sang trọng trị giá 37 triệu USD”.
Ông Guo Wengui bị bắt trong căn hộ hạng sang của mình tại Sherry-Netherland, một trong những khách sạn căn hộ nhìn ra Công viên Trung tâm ở Manhattan. Các công tố viên cho biết, Guo được bao quanh bởi các nhân viên an ninh có vũ trang suốt ngày đêm và đi lại giữa các ngôi nhà của mình trong một đoàn xe ô tô sang trọng. Buổi làm việc đầu tiên của đối tượng này trước Thẩm phán Katharine H. Parker chỉ kéo dài khoảng 15 phút vì ông ta đồng ý bị giam giữ để luật sư có thời gian chuẩn bị tranh luận về việc tại ngoại.
Các công tố viên yêu cầu bắt giữ Guo vì ông ta có thể bỏ trốn và “mối nguy hiểm mà anh ta gây ra cho cộng đồng”. Theo hồ sơ tòa án, Guo hứa hẹn những khoản lợi nhuận khổng lồ cho những người đã đầu tư vào các doanh nghiệp do ông ta sở hữu gồm công ty truyền thông GTV Media Group, Liên minh Trang trại Himalaya, hay sàn giao dịch Himalaya. Kể từ tháng 9-2022, chính phủ Mỹ đã tịch thu khoảng 634 triệu USD từ 21 tài khoản ngân hàng có liên quan đến Guo. Ngoài căn hộ ở Manhattan, ông ta còn sở hữu một biệt thự trị giá 26 triệu USD ở Mahwah, New Jersey và một dinh thự ở Connecticut trị giá vài triệu USD.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch ngày 15-3 cũng đã đưa ra các cáo buộc dân sự đối với Guo về tội lừa dối các nhà đầu tư thông qua các bài đăng và video không trung thực trên mạng xã hội, bao gồm một số tuyên bố tài sản tiền điện tử có tên là “H-Coin”. Trong các giấy tờ được nộp lên tòa án đề nghị giam giữ Guo, các công tố viên cũng trích dẫn hàng chục vụ kiện dân sự liên quan đến Guo kể từ khi ông đến Mỹ, nói rằng ông ta “đã sử dụng các chiến thuật kiện tụng và gây áp lực” để đối mặt với những người chỉ trích mình. Các công tố viên cũng đặt câu hỏi về hành vi của Guo liên quan đến việc nộp đơn phá sản ở Connecticut do khoản nợ 500 triệu đô la và tài sản không quá 100.000 USD.
Ông trùm kinh doanh này từng được cho là một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Ông ta kịp rời Trung Quốc vào năm 2014 trước khi bị cáo buộc bắt cóc, tham nhũng, hiếp dâm… Quá trình trốn truy nã và sống ở New York, Guo Wengui trở nên thân thiết với ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia chính trị của Tổng thống Donald Trump. Đáng nói, chính trên chiếc du thuyền dài 45m của Guo Wengui, ông Bannon đã từng bị nhà chức trách liên bang bắt giữ nhưng ngay trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Trump đã hủy bỏ vụ kiện chống lại cựu cố vấn của mình bằng một lệnh ân xá.
Trong nhiều năm, vụ án của Guo Wengui là chủ đề tranh luận về việc liệu Trung Quốc có lạm dụng các nỗ lực hợp tác thực thi pháp luật quốc tế, bao gồm cả Interpol, trong việc tìm cách bắt giữ ông hay không. Năm 2017, Guo xin tị nạn chính trị ở Mỹ vì sợ rằng nếu bị buộc phải rời khỏi đây, ông ta có thể bị bắt giữ ở một quốc gia có ít quyền lực hơn. Tháng 4 năm đó, Trung Quốc xác nhận rằng họ đã yêu cầu Interpol ra thông báo bắt giữ Guo sau khi doanh nhân này đưa ra một loạt tuyên bố chưa được chứng minh về việc các quan chức Trung Quốc có con ngoài giá thú cũng như sở hữu tài sản và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.