Đại học Bách khoa Hà Nội tăng 30 bậc nhờ chủ động trong việc tham gia xếp hạng; Đại học Huế tụt hạng do còn nhiều điểm yếu.
Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh hôm 23/10 công bố bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 (QS Asia 2019). Việt Nam có bảy đại diện góp mặt, trong đó có hai trường tăng hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 139 lên 124) và Đại học Bách khoa Hà Nội (từ nhóm 291-300 lên nhóm 261-270). Đại học Tôn Đức Thắng lần đầu tham gia được xếp nhóm 291-300. Đại học Quốc gia TP HCM, Huế, Cần Thơ tụt bậc so với năm ngoái.
Tụt hạng vì chưa quan tâm xếp hạng
Bảng xếp hạng QS Asia 2019 dựa trên 11 tiêu chí, gồm: đánh giá của nhà tuyển dụng, nhà khoa học, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, số bài báo và trích dẫn theo cơ sở dữ liệu của Scopus, giảng viên và sinh viên quốc tế, trao đổi sinh viên Việt Nam và quốc tế, mạng lưới nghiên cứu quốc tế. Trong đó, chỉ có tiêu chí về mạng lưới nghiên cứu quốc tế là mới.
Trước kết quả tụt cả 100 bậc trên bảng xếp hạng QS Asia, PGS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế, cảm thấy “hơi vô lý” nhưng cũng chỉ ra điểm yếu có thể khiến trường tụt hạng là đánh giá của nhà tuyển dụng do chưa liên kết tốt với doanh nghiệp trong khi trọng số của tiêu chí này tới 20%. Đặc biệt thời gian qua, trường bận làm tuyển sinh nên việc tiếp xúc với doanh nghiệp bị hạn chế.
Còn TS Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Đại học Huế, cho rằng xếp hạng năm nay của QS đánh giá đúng thực lực của Đại học Huế khi từ lâu các chỉ số của trường đều xếp sau Đại học Đà Nẵng hay Cần Thơ. Lâu nay Đại học Huế không thực sự quan tâm đến việc xếp hạng.
“Ban giám đốc trước kia giao cho nhân viên làm qua loa, không có sự đầu tư. Việc dịch thuật lại không chính xác", ông Bảo nói và cho biết năm nay lãnh đạo nhà trường thay đổi, việc tham gia xếp hạng được làm bài bản hơn. Trường đã thành lập ban lấy số liệu cụ thể, đúng thực chất để báo cáo.
Xếp hạng của các đại học Việt Nam trên QS Asia 2019. Ảnh chụp màn hình
Tụt hai bậc so với năm ngoái, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng xếp hạng cụ thể của từng trường phụ thuộc vào hai yếu tố: nỗ lực của chính trường đó với các tiêu chí của bảng xếp hạng đồng thời so sánh tương quan với nỗ lực các trường bạn. Việc có đến 92 đại học mới xuất hiện trong danh sách cho thấy nhiều trường đã có nỗ lực và tiến bộ vượt bậc.
Nói cụ thể về thứ hạng Đại học Quốc gia TP HCM, ông Chính khẳng định những năm gần đây, trường luôn có kế hoạch rõ ràng, cụ thể để nâng cao chất lượng. "Việc tụt hạng nhẹ trong bảng xếp hạng cho thấy đại học có quan tâm đầu tư, nhưng so với tương quan các trường khác trong khu vực thì họ lại có bước phát triển nhanh hơn, hiệu quả đầu tư tốt hơn", ông Chính nói và cho rằng thứ hạng mang tính chất tương đối. Xếp hạng lần này là cơ hội để nhìn lại các bước phát triển, kế hoạch đầu tư dài hạn và phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
TS Chính nói thêm, bảng xếp hạng QS vẫn là lựa chọn ưu tiên của Đại học Quốc gia TP HCM, lấy đó làm tiêu chí để nâng cao chất lượng. Đây là kênh so sánh rất tốt để các đại học nhận ra điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục trên thế giới.
Làm gì để nâng cao vị trí trên QS Asia
Từ trường thuộc nhóm 291-300 vào năm 2018, Đại học Bách khoa Hà Nội vươn lên 30 bậc để được xếp trong nhóm 261-270 trong năm nay. So với năm 2013, trường tăng 100 bậc. PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ vui mừng vì đây là vị trí cao nhất của Bách khoa Hà Nội trên QS Asia.
Ông Tớp cho biết Đại học Bách khoa Hà Nội luôn xem bảng xếp hạng là quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là duy trì và đảm bảo chất lượng. Vì vậy, những năm trước trường chưa dành sự quan tâm đúng mức, không chủ động cung cấp thông tin cho các tổ chức. Việc trường xuất hiện ở một số bảng xếp hạng chỉ là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Đến năm 2018, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều hội thảo, có nhiều nghiên cứu hơn về xếp hạng quốc tế và cho rằng QS là phù hợp nhất với Việt Nam ở hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội mới quan tâm nhiều hơn. Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu về bảng xếp hạng và xem xét các tiêu chí của họ.
“Khi bắt tay nghiên cứu, nhà trường nhận ra rằng trước đây khi không quan tâm, QS tự thu thập số liệu và đôi khi không chuẩn mực, không phản ánh đúng thực tế của trường. Vì vậy, chúng tôi đã chủ động xây dựng một bản báo cáo với số liệu cập nhật hàng năm, bám sát tiêu chí của QS và gửi cho họ vào tháng 6”, ông Tớp thông tin.
Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, qua tìm hiểu trường nhận ra những tiêu chí có thể cải thiện, nhờ đó được chấm điểm khá tốt như đánh giá của nhà tuyển dụng, công bố quốc tế. Tỷ lệ sinh viên trao đổi quốc tế của trường còn ít nhưng đã cải thiện so với mọi năm với gần 500 lượt sinh viên quốc tế đến. Ngoài sinh viên Lào và Campuchia, một số em đến từ Pakistan, Sri Lanka, Mông Cổ. Tỷ lệ sinh viên trao đổi 6 tháng hoặc một năm cũng tăng lên.
Tuy nhiên, một số tiêu chí trường vẫn chưa làm tốt như tỷ lệ giảng viên quốc tế. Thực chất, Bách khoa Hà Nội có giảng viên nước ngoài tới giảng dạy nhưng không đủ số thời gian để QS tính. Ông Tớp khẳng định trước mắt trường sẽ chỉ quan tâm đến xếp hạng của QS. Trường sẽ cố gắng mời giáo sư nước ngoài sang hợp tác, giảng dạy, cập nhật và cung cấp thông tin cho QS chính xác hơn. “Chúng tôi đang hướng tới QS World và hy vọng trong thời gian tới sẽ lọt vào top 1.000 như những gì hai đại học quốc gia đang có”, ông Tớp nói.
Có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu về xếp hạng quốc tế, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, không bất ngờ khi trường tăng 15 bậc, lên vị trí 124 trong năm nay. “Mỗi ngày lại có thêm nhiều đại học trên thế giới tham gia vào bảng xếp hạng dẫn đến tính cạnh tranh ngày càng cao. Các trường luôn chuyển động và phấn đấu vì mục tiêu thăng hạng. Vì vậy, mình cần phấn đấu nhiều hơn mới có thể trụ hạng”, ông Đức nói.
GS Nguyễn Hữu Đức tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam" diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Dương Tâm
Để nâng cao vị thế trên bảng xếp hạng QS, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quan tâm xây dựng mạng lưới nhà tuyển dụng, nhà khoa học để tranh thủ những đóng góp từ nguồn lực này vào hoạt động chung của trường. Trường cũng đầu tư để nâng cao các công bố quốc tế, cả về số lượng và chất lượng.
Kết quả chỉ số trích dẫn các bài báo khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội là 5,1 lần/bài báo, vượt ngưỡng trung bình của toàn châu Á (4,5 lần/bài). Theo ông Đức, không chỉ Đại học Quốc gia Hà Nội mà các trường của Việt Nam đều có những bước cải thiện đáng kể ở tiêu chí này. Số lượng bài báo quốc tế của Việt Nam so với khu vực tăng ở tốc độ vừa phải nhưng số trích dẫn, tương ứng với chất lượng từng bài có sự vượt trội so với các nước.
Ngoài tiêu chí về số bài báo và trích dẫn, trong 11 tiêu chí mà QS đưa ra, Đại học Quốc gia Hà Nội đặc biệt tốt ở 4 chỉ số gồm đánh giá của nhà tuyển dụng, nhà khoa học, mức độ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và tỷ lệ giảng viên/sinh viên. Ông Đức thông tin cứ 14 sinh viên của trường thì có một cán bộ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở mức trên 50%.
Đại học Đà Nẵng từng được QS xếp trên 400 nhưng chỉ đến năm 2018, khi bảng xếp hạng đăng tải trên website thể hiện top 500, trường mới được nhắc tới. PGS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chia sẻ vui mừng và tự hào vì điều này.
Ông Vũ cho biết thời gian qua, nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển cụ thể với việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tiếp cận phương pháp của các trường tiên tiến trên thế giới, tăng cường nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế. Thực tế, chỉ số này đã tăng 35%.
"Trường cũng đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, đào tạo giảng viên trẻ, khuyến khích giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài. Nhờ đó, trường có vị trí xếp hạng tốt trên QS Asia", ông Vũ nói.
Nhằm nâng cao thứ hạng trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi sinh viên, tăng cường các hội thảo quốc tế, có chính sách tạo điều kiện để giảng viên chú trọng nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường số bài báo quốc tế.
\'U19 Việt Nam không phải vô địch châu Á, mà để chuẩn bị cho SEA Games\' Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về hành trình tại vòng chung kết U19 châu Á 2018, trong bối cảnh đội đã chính ... |
BTS chinh phục châu Âu, đưa Justin Bieber và One Direction vào dĩ vãng Sau chuyến lưu diễn gặt hái rất nhiều thành công tại các nước châu Âu, BTS đã khẳng định vị thế nhóm nhạc nam số ... |
HLV Hoàng Anh Tuấn: "Không hiểu vì sao U19 Việt Nam lại sợ hãi" Nhà cầm quân người Khánh Hòa cho rằng đội bóng của ông lẽ ra phải chơi tốt hơn trong trận đấu với U19 Australia vào ... |