Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sách “Ô châu cận lục” của TS. Dương Văn An viết về dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam, hoàn tất năm 1555, khi nhắc đến dòng Kiến Giang đã ghi rằng: “Nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục, uống không biết chán. Đó là dòng sông đẹp nhất”.

Sông Kiến Giang là con đường đến trường làng, trường huyện và trường tỉnh của cậu bé họ Võ. Rồi cũng dòng sông tiễn chân ông vào Huế bước vào cuộc đời cách mạng khi ông mới qua tuổi 17. Trong suốt cuộc trường chinh dằng dặc từ lúc thoát ly gia đình cho đến ngày về yên nghỉ trên đất mẹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn canh cánh nỗi nhớ thương thẳm sâu về quê nhà và dòng sông.

Đại tướng và dòng sông -0

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân tại Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang

Kiến Giang là dòng sông văn hóa. Hai bên dòng sông này là những ngôi làng mang cái tên rất cổ. “Những Kẻ Tiểu, Kẻ Tuy, Kẻ Soi, Kẻ Tréo...; những Nhà Phan, Nhà Vàng, Nhà Ngo, Nhà Nòi... Cùng với cây lúa, cây dâu, cây cói là nghề dệt vải, dệt chiếu, nghề rèn, nghề gốm, nghề mộc... phát triển, làm cho xóm làng đông đúc chung nghe tiếng gà... sông hồ đầy nước... đất đai màu mỡ... Ngày xuân mở hội bơi trải, phất phới lụa là...”. Hội bơi trải trên sông Kiến Giang ra đời đã hơn 500 năm. Đó là lễ hội mang tính tâm linh, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ người Lệ Thủy. Sự đặc biệt của hội bơi còn ở chỗ lập kỷ lục về quy mô đường đua, với 15 km và số người tham gia cổ vũ. Trên suốt dòng sông luôn chen chật người xem, chưa kể đến đoàn người vừa phất cờ, vừa chạy theo thuyền đua của làng mình.

“Dù ai đi Tây về Đông

Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Cũng là một người Lệ Thủy, nếu có dịp về thăm quê, Đại tướng sẽ thu xếp thời gian để được tham gia lễ hội đua thuyền. Và luôn luôn có mặt bên ông là Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, người vợ bên ông mấy mươi năm cuộc đời. Hình ảnh Đại tướng và phu nhân trong một buổi sáng hòa vào dòng người tấp nập xem đua thuyền đã trở thành nguồn cảm xúc thiêng liêng để nhạc sĩ Xuân Đồng sáng tác ca khúc nổi tiếng “Đưa em về Kiến Giang”.

Nhạc sĩ Xuân Đồng kể rằng, ngày 2-9-1986, anh cũng về quê dự lễ. Sáng khai mạc, nhân dân khắp nơi trong huyện tụ về đứng chật hai bờ chờ xem bơi, không khí phấn khích vô cùng. Bất ngờ, một giọng nói ấm áp vang lên trên loa phóng thanh “Kính thưa toàn thể bà con nhân dân huyện nhà, hôm nay tôi về quê...” mới chỉ vậy thôi mà cả hai bờ sông đã im bặt, tất cả lặng người xúc động, nhiều bà nhiều chị mừng rỡ kêu lên “Ông Giáp! Ông Giáp về!”. Ai cũng nhận ra đó là giọng nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giọng Lệ Thủy của một người Lệ Thủy, dù gót chân bám bụi trăm miền vẫn chân nguyên âm sắc mộc mạc mà ấm áp ấy. Sau đó là sự chuyển động ào ạt của dòng người về phía khán đài, nơi Đại tướng đang có mặt. Những dòng ca từ tha thiết của ca khúc “Đưa em về Kiến Giang” bắt nguồn từ đây: “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/ Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/ Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê/ Bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề/ Ngày xa quê anh không hẹn lại về”.

Đại tướng và dòng sông -0

Lễ hội đua thuyền trên dòng sông quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà cùng dòng sông Kiến Giang trở thành hình ảnh trữ tình đi vào ca khúc làm lay động trái tim người nghe. Ngày đi tóc hãy còn xanh, ngày về mái đầu đã bạc, trái tim Đại tướng vẫn mãi lưu giữ hình ảnh dòng sông, nhớ tiếng đập nước của những thuyền chài ngoài bến vắng, nhớ giọng hò khoan man mác vọng dài theo nhịp sóng, nhớ những ngày lội bùn tát cá, bẫy chim trên mải miết đồng làng... Người Lệ Thủy nhắc đến ông, nghĩ về ông là thấy quê nhà và dòng sông: “Kiến Giang ơi! Dòng Kiến Giang/ Dòng sông thơ như dòng sữa mẹ/ Mà ta yêu nhau năm tháng/ Gạo trắng nước trong cho da em trắng/ Bao nhiêu hạt phù sa xứ Lệ/ Để Kiến Giang xanh xanh mãi một màu/ Để duyên đôi ta như dải lụa màu”.

Lệ Thủy là vùng đất của cây lúa. Hầu như lần nào về quê, Đại tướng cũng hỏi về công việc trồng lúa của nhân dân trong huyện. Đại tướng nói, quê hương mình có sông dài, đồng rộng, lại có vùng vời phá mênh mông nên chúng ta phải duy trì và phát triển nông nghiệp cho xứng với câu ca xưa “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Làm nông nghiệp vùng đồng chiêm trũng là công việc vất vả, nhọc nhằn nhưng từ bao đời qua, người Lệ Thủy đã nhận cây lúa là sinh kế nên dù khó nhọc, bão lũ thì cánh đồng vẫn cứ phải xanh, mãi xanh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dòng Kiến Giang đã trở thành hình ảnh đại diện cho quê hương Lệ Thủy. Để rồi, trên đất nước Việt Nam ở nơi đâu có người Lệ thủy là ở đó vang lên ca khúc “Đưa em về Kiến Giang”: “Kiến Giang ơi! Dòng Kiến Giang/ Rằng quê anh đây là quê mẹ/ Bởi em yêu anh năm tháng/ Gạo trắng nước trong thương ai mưa nắng/ Tình ta xin gửi vào đây quê ta xứ Lệ/ Để Kiến Giang xanh, xanh mãi một màu/ Để duyên đôi ta như dải lụa màu” tha thiết, trữ tình và chứa chan nhung nhớ”.

Trương Thu Hiền

Chiến dịch Biên giới 1950 và phong cách cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Chiến dịch Biên giới 1950 và phong cách cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những hình ảnh đáng nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ Những hình ảnh đáng nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhiều bạn trẻ thắp nến tri ân tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhiều bạn trẻ thắp nến tri ân tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ảnh: Tròn 5 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Ảnh: Tròn 5 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ

/ antg.cand.com.vn