Là tác phẩm điện ảnh độc lập đầu tay của vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto và nhà sản xuất kiêm diễn viên chính Nhã Uyên, “Đêm tối rực rỡ” ra rạp từ 7-4 không phải là một bộ phim giải trí thuần túy mà khá kén chọn khán giả.

Những bí mật trong một đám tang

26
Diễn viên kỳ cựu Kiến An thủ vai nam chính

Chọn thể loại chính kịch tâm lý, giật gân, “Đêm tối rực rỡ” có dàn diễn viên đông đảo gồm 2 vai chính do Nhã Uyên và Huỳnh Kiến An đóng, bên cạnh đó là Phương Dung, Diễm Phương, Vũ Xuân Trang và Kim B. Bộ phim có cá tính riêng khi khai thác một chủ đề hiếm hoi trong điện ảnh Việt Nam - đám tang. Nhưng đám tang chỉ là một dịp để những người thân trong gia đình tề tựu về, từ đó lần lượt hé lộ nhiều câu chuyện bất ngờ, những điều che giấu và xung đột. Những bi kịch xuất hiện trong ngôi nhà khiến khán giả phải giật mình vì sự ngột ngạt khi chứng kiến hầu như mọi thành viên đều có những bế tắc, khổ đau và cả tội lỗi. “Trong gia đình này không ai là không có tội” - nhân vật người chồng, người anh trụ cột trong gia đình tên Toàn (do diễn viên kỳ cựu Kiến An đóng) đã nói như vậy sau khi tát vợ. Và bản thân chính ông ta cũng là một người đầy rẫy sai lầm, từ bạo hành đến cờ bạc, nợ nần.

Cuộc gặp gỡ giữa những anh chị em, con cháu trong gia đình tại đám tang người ông vừa qua đời dần dần hóa thành một khối u bị bung vỡ từ quá khứ đến hiện tại. Một đám giang hồ kéo đến đòi nợ chủ nhà. Cuộc tranh cãi về tài sản không có hồi kết. Những lo sợ khi bí mật bị lộ. Những thân phận nạn nhân trầm cảm, trong đó có cả trẻ em, bởi nạn bạo hành gia đình nhưng không đủ dũng cảm để tố cáo. Câu chuyện nối tiếp câu chuyện, xung đột nối tiếp xung đột. Đạo diễn Aaron Toronto chọn cách đẩy tiết tấu phim dồn dập, với các nhân vật đều “căng như dây đàn” và màn cao trào đầy ám ảnh có cả máu đổ. Cách thể hiện này có thể khiến khán giả có phần mệt mỏi, đồng thời tự hỏi “có cần làm quá vậy không” khi phải chứng kiến quá nhiều ồn ào, gào thét, trong một bối cảnh ngột ngạt, tù túng cùng màn đêm tăm tối trải dài 100 phút của bộ phim.

27
Vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto - Nhã Uyên các diễn viên trẻ trong “Đêm tối rực rỡ”

Vấn nạn bạo hành gia đình

Không khó để nhận ra những bi kịch và hệ lụy mà nạn bạo hành gia đình đem tới, thậm chí trở thành vòng lặp nhân quả nhức nhối. Đạo diễn Aaron Toronto bày tỏ mong muốn rằng, các khán giả xem “Đêm tối rực rỡ” có thể chia sẻ đến “nỗi đau và hoàn cảnh của những người đã và đang trải qua bạo hành gia đình”. Từ đó không chỉ lên án bạo hành gia đình, đấu tranh cho những nạn nhân, mà còn ý thức tới những điều xung quanh nó như cách giải quyết hệ lụy tâm lý, cách lên tiếng chống lại và cách làm thế nào khi mình là nạn nhân. Diễn viên Huỳnh Kiến An chia sẻ: “Sau mỗi cảnh ông Toàn ra tay hành hạ vợ con, tôi càng thêm ghét nhân vật này. Tôi cố gắng diễn tốt, để khán giả thấy rõ vấn nạn bạo hành gia đình”.

“Đêm tối rực rỡ” dù gây tranh luận về cách làm phim chưa thật thuyết phục, chưa khiến khán giả đồng cảm hoàn toàn với nỗi đau nhân vật, nhưng việc dũng cảm khai thác chủ đề khó và chấp nhận kén khán giả là một điều đáng ghi nhận. Điện ảnh Việt cần có những bộ phim riêng biệt như vậy để thị trường đa dạng, nhiều màu sắc.

Cách giáo dục con cái phản văn minh, thái độ áp đặt, thiếu tôn trọng và thậm chí bạo hành con em từ phụ huynh cũng là một khía cạnh trong “Đêm tối rực rỡ”. Nhân vật bà Gái (diễn viên Phương Dung đóng) bị ông Toàn trấn nước trong quá khứ và tát tay trong hiện tại là nạn nhân chịu đựng sự bạo hành từ chồng. Nhưng bà bế tắc và còn trút giận lên con mình. Bạo lực nếu không được ngăn chặn, tố cáo thì có khả năng lây lan và tiếp diễn như một vòng tròn luẩn quẩn.

Nhân vật chính Xuân Thanh (Nhã Uyên đóng) không may có một tuổi thơ bị cha bạo hành chính là người phải chịu đựng chấn thương tâm lý lâu ngày. Phim còn có nhân vật Kim Bảo trở thành một con nghiện sau khi là nạn nhân của bạo hành… Các hình thái bạo lực thể chất lẫn tinh thần đều phải bị lên án mạnh mẽ. Hệ quả của nó cần được phát hiện từ sớm để ngăn chặn trước khi trở nên ngày càng nặng nề hơn. Bởi những ẩn ức, bi kịch dồn nén trong con người hay trong một gia đình khi đến độ “bùng nổ” thì rất nghiệt ngã và khó lường như trong “Đêm tối rực rỡ” đã cho thấy.

28
Các cảnh trong phim

“Đào sâu vào chỗ tối tăm, sẽ thấy được ánh sáng” là câu trích trên poster “Đêm tối rực rỡ”, qua đó cho thấy thông điệp của nhà làm phim là phản ánh hiện thực và miêu tả những nỗi đau, mất mát, hoàn cảnh những nạn nhân… để từ đó đưa các nhân vật hướng về phía trước. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn kể cả khi một đám tang kết thúc, người quá cố đã về nơi an nghỉ. Những người còn lại vẫn phải tiếp tục sống, phải chữa lành ký ức đau thương, phải hàn gắn mối quan hệ ruột rà bằng sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Sau mọi xung đột ồn ào và những vết thương lẫn tội lỗi bị phơi bày, khi cùng ngồi trên chiếc xe tang, các thành viên gia đình lại im lặng hơn bao giờ hết. Đó có lẽ là thời khắc mà họ “phải học cách yêu thương nhau”.

Diễn viên Nhã Uyên chia sẻ rằng, chị muốn mọi người có sự nhận thức và bình tĩnh giải quyết nạn bạo hành để “tương lai con cái chúng ta không tiếp tục rơi vào chuỗi mắt xích đó”. Bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em là một tệ nạn khó lường hậu quả. Thế nhưng, mỗi gia đình và xã hội cần nhận thức, nhận diện, cùng chung tay giúp đỡ những nạn nhân, sớm ngăn chặn bạo lực và đưa những kẻ xấu ra trước ánh sáng pháp luật.