Mạng xã hội Facebook hôm nay tràn ngập hình ảnh những trang sách giáo khoa Tiếng Việt ngày xưa được các cư dân mạng “có tuổi” chia sẻ với hoài niệm nhớ thương.
Phản ứng mạnh về chất lượng, cách biên soạn nội dung của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới (bộ Cánh Diều), các bậc phụ huynh thuộc thế hệ từ 7X đến đầu 9X quay sang so sánh với những cuốn sách giáo khoa họ được học mấy chục năm trước. Tâm lý nhớ nhung, hoài niệm này tạo thành cơn sốt trên mạng xã hội. Rất nhiều người chia sẻ ảnh chụp những trang sách Tập đọc, Tiếng Việt cũ của Nhà xuất bản Giáo dục, trên đó là những hình minh họa, những đoạn văn, câu thơ trong sáng đáng yêu, gắn với tuổi thơ của mình.
Những bài đăng này đều nhận lượng tương tác rất lớn, được coi như "chiếc vé trở về tuổi thơ" giúp bạn bè trên Facebook sống lại những cảm xúc thơ ấu - điều đáng trân quý vô ngần đối với bất cứ người trưởng thành, từng trải nào.
"Trời ơi, cậu lấy đâu ra những trang sách quý này thế?", một người dùng Facebook hỏi bạn mình dưới chùm ảnh chụp sách "Trong một buổi sáng thu, thấy cay mắt khi được sống lại những ngày tháng thơ ngây đó, lại thấy mình là đứa trẻ cầm cuốn sách cũ của chị, sách dùng rồi mà mùi giấy vẫn thơm. Cảm ơn cậu".
"Nhớ quá chừng, thương quá chừng. Ngày đó tôi dùng sách mượn của thư viện trường, trong lớp chỉ một số bạn được bố mẹ mua cho sách mới, còn thì nếu không dùng lại của anh chị cũng mượn thư viện", tài khoản Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Hương Trần xuýt xoa: "Bao nhiêu năm rồi không hề đọc lại, nghe lại những bài thơ này của Phạm Hổ, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Đăng Khoa... nhưng nhìn trang sách được bạn đăng là tớ nhớ hết luôn, đọc thuộc lòng được không sót câu nào. Sức mạnh của ký ức tuổi thơ thật kỳ diệu".
Cũng như Hương Trần, nhiều cư dân mạng cho biết, đến nay tuy vài chục năm trôi qua, họ vẫn thuộc lòng nhiều bài thơ thiếu nhi, và một số đoạn văn trong sách giáo khoa ngày ấy, đặc biệt là trong sách lớp 1, lớp 2. Những bài "Mèo con đi học", "Cái trống trường em", "Trường em", "Con vỏi con voi", "Đàn gà mới nở"... vẫn tạo ra những rung cảm đẹp đẽ trong tim họ như mới hôm qua.
"Đọc lại những bài học khi xưa vẫn thấy rưng rưng, rung động. Văn thơ, ngôn ngữ Việt Nam đẹp thế này cơ mà!", Vinh Nguyễn viết.
Bên cạnh những bình luận mang tính hoài niệm đầy xúc động, nhiều người thở dài khi so sánh với bộ sách giáo khoa mới đang gây sóng gió trong dư luận.
"Những vần thơ, con chữ đẹp, trong sáng, ý nghĩa thế này tại sao không dạy cho trẻ? Đừng nói nó lỗi thời rồi, thời nào con người, nhất là trẻ thơ, không yêu cái đẹp, không cần cảm xúc chứ", Cúc Lê viết.
Cường Ngô bình luận: "Những bài tập đọc của sách giáo khoa ngày xưa hướng học sinh tới Chân, Thiện, Mỹ; sao bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bây giờ không có mấy bài như thế".
"Hãy cho trẻ con ngày nay được học những bài có ngôn ngữ mượt mà đầy tình nhạc như thế này. Ừ thì mỗi thế hệ mỗi khác, không nhất thiết phải đưa vào sách những tác phẩm ngày xưa. Chỉ cần các thầy soạn sách hãy nghĩ đến nhu cầu cảm xúc của trẻ, môn Tiếng Việt thì phải cho trẻ học thứ tiếng Việt thuần khiết trước đã", Hải Trương bày tỏ.
Cùng ngắm một số trang sách giáo khoa cũ được cộng đồng mạng chia sẻ:
s3.jpg |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sách giáo khoa phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam“ |
Thất bại của giáo dục Việt Nam có bắt nguồn từ những cuốn sách giáo khoa lớp 1? |