Người dân miền Tây mua nước ngọt với giá 40.000 - 70.000 đồng mỗi khối để trữ cho sinh hoạt và sản xuất mùa hạn mặn.
Đầu tháng 3, hình ảnh những chiếc xe công nông chở nước ngọt luân phiên chạy trên đường, dưới trời nắng gay gắt quá quen thuộc với người dân vùng ven biển An Thủy (Ba Tri, Bến Tre).
Ông Nguyễn Văn Đức, chủ hai xe chở nước ngọt cho biết hành nghề đã hơn 7 năm, cứ từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4 hàng năm, ông lại bơm nước ngọt từ giếng chở đi bán cho người dân.
"Tại xã có hơn chục hộ kinh doanh chở nước ngọt mùa hạn mặn. Mỗi ngày tôi chở 5-7 xe, tùy đường xa hay gần, giá 40.000-70.000 đồng một khối, chủ yếu người dân bơm vào hồ dự trữ nấu ăn, tắm giặt qua mùa khô", ông nói.
Tại khu vực cồn Hố, xã An Thủy, những ruộng dưa, bầu hơn một tháng tuổi quắt queo dưới nắng. Do phần lớn các giếng đều khô hoặc nhiễm mặn, nên nông dân phải mua nước ngọt từ xe với giá 50.000 đồng một khối, sau đó trữ vào các phuy nước giữa đồng để tưới.
Nông dân Bến Tre tưới dưa bằng phễu vì giá nước đắt đỏ. Ảnh: Hoàng Nam. |
"Nhà tôi có hai công dưa, mỗi ngày phải tưới cả khối nước. Do nước đắt đỏ nên nông dân phải múc vào từng thùng, rồi tưới qua một phễu nhựa, mỗi gốc dưa chỉ 250 ml để tiết kiệm", nông dân Trần Văn Tuấn nói và cho biết, dù vậy mỗi vụ dưa gia đình ông vẫn tốn khoảng một triệu đồng tiền nước.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên. Do ảnh hưởng triều cường cùng gió chướng, tỉnh khuyến cáo người dân trữ nước ngọt cho mùa hạn mặn. Địa phương cũng đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng để chống hạn mặn.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn từ trước Tết Nguyên đán.
"Nước mặn đang tiến sâu vào sông Tiền cách cửa biển khoảng hơn 30 km. Cống Xuân Hòa lấy nước ngọt cho dự án ngọt hóa Gò Công cũng đang được theo dõi sát sao", ông Pháp nói.
Còn ở các huyện Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành (Trà Vinh), nước mặn đã tiến sâu vào đất liền 15-20 km. Toàn tỉnh có gần 90.000 ha lúa đông xuân; trong đó, khoảng 10.000 ha xuống giống trễ, đang giai đoạn làm đồng, cần nước nhiều.
"Hiện chưa ghi nhận thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đang tập trung vận hành hệ thống cống đập theo hướng tiếp nước ngọt vào vùng sản xuất", ông Trần Trung Hiền - Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh nói.
Theo ông Hiền, địa phương đo độ mặn thường xuyên, khi độ mặn giảm xuống dưới một phần nghìn thì chủ động mở cống xả nước trong hệ thống sông rạch, nội đồng ra ngoài, đồng thời đưa nước ngọt vào trong.
Tỉnh Sóc Trăng cũng chưa ghi nhận thiệt hại hạn mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp, vụ lúa đông xuân gần như thu hoạch xong. "Đến nay, tỉnh ghi nhận tình hình mặn xâm nhập thấp hơn các năm trước, đặc biệt rất nhỏ so với năm đại hạn mặn 2016", Giám đốc Sở Nông nghiệp Lương Minh Quyết cho biết.
Tuy nhiên, đề phòng diễn biến bất thường, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp vận hành hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho hơn 50.000 ha lúa xuân hè của người dân trên địa bàn.
Người dân miền Tây trữ nước ngọt cho mùa hạn mặn đang đến. Ảnh: Hoàng Nam. |
PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhận định, tình trạng hạn mặn năm nay không gay gắt như các năm trước. "Hiện tượng El Nino đã qua rồi, La Nina năm ngoái gây mưa nhiều. Nhờ năm ngoái mưa nhiều và gần Tết này ở miền Tây cũng có mưa nên lượng nước trữ trong nội đồng, sông rạch còn nhiều. Nhờ đó đã ngăn, đẩy mặn lùi xa", tiến sĩ Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tuấn, người dân nên chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đời sống. "Về lâu dài, ngành chức năng và chính quyền các địa phương nên hạn chế diện tích trồng lúa, nay đã dư thừa, thay thế bằng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn nhưng tiết kiệm nước", Phó viện nghiên cứu biến đổi khí hậu khuyến cáo.
Năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là chưa từng có và đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế, với số tiền hơn 5.500 tỷ đồng. Thống kê thiệt hại của cơ quan chức năng cho thấy, có gần 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất bị nhiễm mặn.
Dùng mồi cá dụ ốc cau vào lợp ở miền Tây Mùa gió chướng, ngư dân Tiền Giang dùng cá bỏ vào lợp, quăng xuống biển dụ ốc cau, bắt mỗi ngày trên 100 kg, kiếm ... |
Nhiều huyện miền Tây xứ Nghệ sạt lở nghiêm trọng, nhiều xã chia cắt Từ khoảng 10 giờ sáng 10.10, do mưa lớn, tại các huyện miền Tây Nghệ An như Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp ... |