Đa số người dân và chuyên gia đều khẳng định hiệu quả của việc quy định mọi ô tô phải lắp thiết bị camera giám sát hành trình trong việc quản lý trật tự an toàn giao thông.
- Sửa quy định thời gian lái xe liên tục qua giám sát hành trình
- Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát hành trình từ 1/7
Bắt buộc hay chỉ nên khuyến cáo?
Ngày 15/9, Báo Giao thông đăng tải bài viết: Quy định mới bắt buộc ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình nêu đề xuất tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ về một trong những điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đó là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Điều này đồng nghĩa với việc, không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải, tới đây, ô tô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Sau khi đăng tải, rất nhiều bạn đọc đã nêu quan điểm của mình về vấn đề này. Bạn đọc Trương Hoàng Hữu cho rằng: Không cần đề xuất cũng đã tự lắp rồi, có lợi cho mình chứ không phiền.
Đồng quan điểm, anh Dũng Hoàng cho biết, cá nhân anh ủng hộ đề xuất này, vừa giữ cho bản thân tài xế không bị bắt phạt oan, va chạm có chứng cứ, vừa hỗ trợ cơ quan chức năng khi có sự việc xảy ra.
Tuy nhiên, cũng có một số bạn đọc đề xuất rằng quy định này chỉ nên dừng ở việc khuyến cáo chứ không nên bắt buộc vì còn liên quan đến vấn đề kinh tế của mỗi người.
Cùng ý kiến, anh Nguyễn Tuấn (Hà Nội) nhìn nhận: Khuyến cáo nên lắp vì lợi ích mang lại không chỉ cho chủ xe mà còn cho xã hội trong quản lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội, song cũng cần cân nhắc đến yếu tố riêng tư của chủ phương tiện.
"Lắp thiết bị camera giám sát hành trình và truyền dữ liệu về một trung tâm xử lý tôi ủng hộ nhưng thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe thì không nên, đây là quyền riêng tư cá nhân của mỗi người", anh Tuấn nhìn nhận.
Về vấn đề này, chia sẻ thêm với PV Báo Giao thông, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, vai trò của ứng dụng công nghệ trong giám sát trật tự an toàn giao thông nói riêng và toàn xã hội nói chung là điều không cần phải bàn cãi bởi tính minh bạch, khách quan, toàn diện mà nó mang lại.
Theo ông Tạo, hiện nay, việc phát hiện vi phạm của phương tiện chủ yếu thông qua mắt nhìn của lực lượng chức năng, điều này mang tính chủ quan và nhiều khi xảy ra tranh cãi với người vi phạm.
Tuy nhiên, nếu có dữ liệu thiết bị camera giám sát hành trình của chính phương tiện này, có thể kiểm chứng dễ dàng việc vi phạm của xe một cách khách quan và chính xác.
Bên cạnh đó, chủ xe cũng thuận lợi trong việc theo dõi được vị trí của phương tiện, ngoài ra, còn giúp ích cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết tai nạn, các vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội tại nơi mà các phương tiện lưu thông qua.
Tuy nhiên, ông Tạo cho rằng cần cân nhắc quy định lắp thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe trên cả ô tô cá nhân.
"Chỉ nên quy định như vậy đối với xe kinh doanh vận tải hành khách để giám sát sức khoẻ, trạng thái người lái xe, giám sát hoạt động của hành khách trên xe, ngăn các vi phạm như chèn ép hành khách... Đối với xe cá nhân việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi người, khó khả thi", ông Tạo nhìn nhận.
Chỉ huy một Đội CSGT đường bộ tại Hà Nội cũng cho rằng quy định lắp thiết bị camera giám sát hành trình phương tiện là cần thiết, sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, với thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe cần cân nhắc thêm vì liên quan trực tiếp đến đời sống cá nhân của người dân.
"Thay vì quy định bắt buộc có thể khuyến cáo, đồng thời, các xã huyện cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ, lắp đặt thêm các camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt tại các tuyến quốc lộ cũng hỗ trợ rất nhiều cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông", vị chỉ huy này nêu ý kiến.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết, hiện nay thiết bị giám sát hành trình có giá khoảng 3-3,5 triệu đồng, nếu có thêm tính năng camera thì giá mỗi thiết bị rơi vào khoảng 3,5 - 5 triệu đồng.
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 5 triệu xe ô tô, trong đó khoảng 1,2 triệu xe kinh doanh vận tải, tức nếu quy định ban hành, khoảng 3,8 triệu ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt thiết bị này. Như vậy, tổng chi phí trang bị cho số xe này thấp nhất hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đây là một đề xuất có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với ý nghĩa mang lại; như vậy sẽ thuyết phục hơn.
Trong khi đó, bạn đọc Trần Thắng cho rằng, nếu đã quy định bắt buộc thì 100% xe mới xuất xưởng hiện nay phải có sẵn camera giám sát hành trình.
Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Phương nêu ý kiến, nên yêu cầu các hãng xe khi xuất xưởng xe mới phải trang bị sẵn thiết bị này, như vậy mới tiện cho người tiêu dùng.
Cho rằng đây là một ý kiến hợp lý, ông Tạo nói: Nếu quy định tất cả ô tô mới phải trang bị sẵn sẽ giúp quy định đi vào thực tế khả thi hơn. Song song đó, với các xe cũ đang lưu hành cũng nên có lộ trình để người dân thực hiện bởi còn liên quan đến vấn đề kinh tế của người dân.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: Với chi phí lắp đặt từ 3-5 triệu đồng, nếu so với các chi phí khác khi không may xảy ra (tai nạn giao thông, va quệt, vượt đèn đỏ…) hay trong quá trình tham gia giao thông nhiều lỗi có mức phạt tới hơn 10 triệu đồng; giả sử thông qua camera giám sát hành trình chứng minh chủ phương tiện không mắc lỗi, rõ ràng hiệu quả việc lắp đặt camera giám sát hành trình phương tiện được nhiều hơn mất.