Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhưng hàng trăm người ở vùng này đã tự tìm đến giải pháp cực đoan là tự tử, để lại hậu quả không nhỏ cho người thân, xã hội. Vấn nạn tự tử là bài toán mà chính địa phương cũng đang tích cực 'tuyên chiến'.

Tự tử vì cái…. gương xe máy

Một chiều muộn, ai đó trong làng Tờ Nùng 2, xã Ya Ma la lên thất thanh: “Thằng Đinh Triêu chết ngoài rừng kìa!”. Người làng như ong vỡ tổ túa ra rừng, chạy về hướng có tiếng kêu. Mọi người hãi hùng chứng kiến Đinh Triêu tay chân mềm nhũn, miệng sùi bọt mép. Mùi thuốc cỏ nồng nặc.

Thấy cảnh đó, mẹ của Triêu, chị Đinh Thị Eo xỉu ngay tại chỗ. Đám trai làng đưa xác Triêu về nhà trong lặng lẽ. Cậu bé mới 12 tuổi chọn cách về thế giới A tâu (cõi chết) chỉ với một mâu thuẫn nhỏ với gia đình.

Số là trong lúc nghịch ngợm, Triêu làm hư cái gương xe máy của người trong xã và bị họ nói với gia đình. Bị người nhà la rầy chút đỉnh, vậy là tối hôm đó, Triêu ra khỏi nhà, lận thêm chai thuốc diệt cỏ đi vào rừng sâu. Chị Eo chờ con, chờ mãi đến khi con trăng lặn, ánh dương tờ mờ vẫn không thấy con về. Và đến mãi chiều thì gia đình chị nhận hung tin.

“Cũng muốn nó đến trường lắm nhưng học đến lớp 8 thì bắt mấy nó cũng không tới lớp nữa. Không hiểu sao nó sợ cái chữ. Mỗi lần bắt học là nó nói đau đầu, cái chữ không vào được. Vậy là chịu, đành để nó lên nương với bố mẹ, giúp kiếm sống nuôi hai đứa em đi học. Chỉ la nó là đừng nghịch thôi, cái gương có 45 ngàn đồng mà. Vậy mà nó tự ái rồi đi tự tử!”, chị Eo gạt nước mắt.

Danh sách số người tự tử ở xã Ya Ma, H.Kon Chro

Ảnh: Trần Hiếu

Chúng tôi tìm đến nhà nhưng gia đình chị Eo đã ra rẫy. Nhờ người dẫn đường, chúng tôi tìm ra rẫy của họ ở phía rừng xa. Gia đình chị đang chăm sóc rẫy ngô. Mọi người làm việc trong lặng lẽ, chẳng ai nói với nhau câu gì. Mới ngoài 40 tuổi nhưng vợ chồng chị Eo, anh Đinh Pei tưởng như đã bước sang tuổi 50.

Cái nghèo, cái khổ hằn in trên gương mặt họ. Đinh Pei kể rằng vì thương con, suốt hơn ba tháng nay, vợ anh tối nào cũng rấm rứt khóc, nghe não cả ruột.

Chuyện tự tử vì những mâu thuẫn… lãng xẹt như vậy không còn lạ ở xã Ya Ma.

Ông Đinh Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Ya Ma cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã có 19 người tự tử. Chỉ vì những mâu thuẫn lặt vặt nhưng họ đã tìm đến cái chết. Phải thừa nhận là người bản địa có tính tự ái cao, nhiều người có trình độ hạn chế nên nhận thức về cuộc sống không đầy đủ. Họ nghĩ đơn giản là giải quyết mâu thuẫn bằng cái chết là… xong việc. Họ chọn cách thắt cổ hoặc uống thuốc cỏ cháy. Chưa có trường hợp nào được cứu sống vì khi phát hiện thì đã muộn. Tuyên truyền cũng nhiều nên nạn tự tử có giảm”.

Hàng trăm người tự tử

Kon Chro là huyện nằm phía đông tỉnh Gia Lai. Cuộc sống người dân ở đây còn nhiều gian khó với tỷ lệ người nghèo còn khá cao, là một trong những huyện khó khăn nhất ở Gia Lai. Và huyện cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ người tự tử cao nhất tỉnh. Mỗi năm, có cả trăm người tìm đến cái chết chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ.

Cuộc sống bế tắc, khó khăn và nhận thức không đầy đủ khiến họ chọn hành động cực đoan để giải quyết mâu thuẫn. Trong ba năm (từ 2014 – 2016), toàn huyện Kon Chro đã có 380 trường hợp tự tử. Và từ đầu năm đến nay đã có đến 69 trường hợp tìm đến cái chết. Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ người tự tử là người bản địa chiếm gần 90%; độ tuổi tự tự từ 16 – 60 chiếm gần 90%.

Nạn uống rượu trong các làng bản địa cũng là một nguyên nhân dẫn đến tự tự

Ảnh: Trần Hiếu

Hàng trăm người bản địa ở Kon Chro đã chọn cách kết thúc cuộc sống bằng thắt cổ hoặc uống thuốc cỏ. Đa phần người dân làm nông nghiệp, nên luôn có sẵn các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần vài chục ngàn là người dân dễ dàng mua một lọ thuốc diệt cỏ. Một số bác sĩ ở H.Kon Chro cho biết nhiều trường hợp uống thuốc diệt cỏ cháy – loại thuốc cực độc, người nhà đưa vào viện vẫn tỉnh táo nhưng tỷ lệ tử vong là rất cao. Rất hiếm người sống khi đã chọn cách tự tử bằng cách này. Số còn lại uống thuốc trừ sâu với lượng ít thì còn cơ may sống sót.

Đinh Linh, một nạn nhân uống thuốc cỏ cháy được đưa vào viện khi còn tỉnh. Sau ba ngày nằm điều trị tại Bệnh viện H. Kon Chro, Linh có thể ăn được chút cháo loãng. Khi bác sĩ nói nhỏ với người nhà là hãy chuẩn bị lo hậu sự cho Linh thì bị mắng té tát. Song những bác sĩ điều trị ở đây biết nạn nhân khó qua khỏi vì đã uống nguyên chai thuốc diệt cỏ. Và chỉ ngày hôm sau, Linh cứ lả dần rồi ra đi.

Cuộc sống túng quẫn, khó khăn, ít tiếp xúc bên ngoài khiến nhiều người chọn con đường xử lý mâu thuẫn đầy bi kịch

Bác sĩ Phan Văn Chơi, Giám đốc Trung tâm y tế H.Kon Chro cho biết: “Hầu hết những trường hợp tự tử bằng cách uống thuốc cỏ cháy đều không qua khỏi vì loại thuốc này có lượng độc chất rất lớn. Thuốc này khi uống vào phá hoại lục phủ ngũ tạng của người bệnh. Không có cách nào cứu chữa được. Nhờ sự vận động của các ngành, các cấp của địa phương nên nạn tự tử có giảm. Chúng tôi cũng huy động nhân viên ở các trạm y tế vận động người dân để họ hiểu được tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật và hệ luỵ của việc tự tử”.

Tuyên chiến với nạn tự tử

Chỉ với một chút cực đoan và nhận thức nông cạn, nhiều người dễ dàng tìm đến cái chết như một cách giải thoát. Chị Đinh Biếc ở làng Dâng, thị trấn Kon Chro sống với chồng hơn chục năm trời, có với nhau 6 mặt con. Rồi một ngày chị nghĩ rằng dạo này chồng mình ít quan tâm tới vợ. Nghi ngờ chồng có người khác, vậy là chị ra rừng, nốc nguyên chai thuốc diệt cỏ. Khi người nhà phát hiện thì đã muộn.

Từ ngày vợ mất, anh Đinh Lốc như cái bóng, dật dờ, thêm gánh nặng một thân một mình nuôi 6 đứa con. Cuộc sống đã nghèo lại càng bi kịch. Hơn nửa năm sau, anh đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ. Cả 6 đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ phải về ở với ông bà.

Ông Nguyễn Văn Đại, Phó trưởng Ban dân vận Huyện ủy Kon Chro cho biết: “Nạn tự tử bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là do đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của bà con đồng bào còn hạn chế, bản lĩnh của các nạn nhân trước thử thách cuộc sống chưa vững vàng, dẫn đến dễ bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bột phát".

Nhiều đứa trẻ như thế này đã sớm mồ côi cha, mẹ

Vấn nạn tự tử để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và cộng đồng như: làm thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người thân trong gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ, không được yêu thương chăm sóc, những người già không nơi nương tựa và trở thành gánh nặng của xã hội…; Nguy hại hơn là nạn tự tử đã đe dọa tính gắn kết cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý xã hội và là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… gây mất ổn định chính trị và làm ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội.

Từ tháng 4.2014 đến nay, H.Kon Chro đã tích cực tuyên chiến với nạn tự tử trong cộng đồng bản địa. Theo đó, huyện này đã tổ chức tuyên truyền tại các "điểm nóng" thường xuyên xảy ra nạn tự tử tại 112 điểm làng của 14 xã, thị trấn.

Theo ông Đại, bà con bản địa đã phần nào nâng cao nhận thức; biết xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, biết yêu quý cuộc sống. Một số gia đình đã vươn lên làm giàu. Các cộng đồng bản địa từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu như: Tục phạt vạ; tảo hôn, không làm giấy khai sinh cho con, hoặc không đăng ký khi kết hôn; không tin vào thuốc thư, sú ma lai, thầy cúng. Tổ chức ăn uống dài ngày khi có đám tang, gây tốn kém cho gia đình có người chết. Nạn tự tử theo đó có giảm.

Gia Lai có 2.164 vụ tự tử từ năm 2005 đến 2016

Thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ (14/17 huyện, thị xã, thành phố của Gia Lai), từ năm 2005 – 2016, ở Gia Lai xảy ra 2.164 vụ tự tử (cao nhất là H.Kông Chro 693 vụ; Phú Thiện 401 vụ; Chư Păh 330 vụ; Kbang 259 vụ; Đức Cơ 98 vụ).

Hình thức tự tử phổ biến là thắt cổ; uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Đa phần những người tự tử ở độ tuổi thanh niên và trung niên; nam nhiều hơn nữ; đồng bào Bahnar chiếm tỷ lệ lớn hơn. Nguyên nhân dẫn đến tự tử: Vợ chồng giận nhau; quan hệ tình cảm bị cấm cản; mâu thuẫn tình thân, bị la rầy, xấu hổ; bạo lực gia đình; cha mẹ không đáp ứng nhu cầu như mua sắm điện thoại, xe máy đẹp… để trưng diện bạn bè; bị vu oan; kinh tế gia đình khó khăn, nợ nần không trả được; bệnh tật không chữa khỏi…

Bên cạnh đó uống rượu là một tập quán có từ lâu đời, thậm chí uống rượu đã trở thành nhu cầu thường xuyên của một số người và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn tự tử. Nhìn chung, nhiều trường hợp tự tử có lối sống khép kín, ít tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng và thái độ bi quan trong giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết, hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ thường nghĩ ngay đến cái chết”.

Trần Hiếu

Tên các nhân vật đã được thay đổi