Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo giá xăng trong nước khi giá dầu thế giới lên 80 USD/thùng.
- Chuyên gia: Giá xăng dầu nhiều 'dị biệt', cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh
- Giá xăng có thể giảm trở lại
Lúc 18h ngày 6/2, trên trang Oilprice, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ở mức 80,05 USD/thùng, tăng 0,11 USD/thùng, tương đương 0,14%; giá dầu WT giao dịch mức 73,3 USD/thùng, giảm 0,08USD/thùng, tương đương 0,1%.
Dù lấy lại mốc 80 USD/thùng song giá dầu Brent vẫn giảm mạnh so tuần trước, trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu vẫn còn yếu, khi các lo ngại vĩ mô xoay quanh tiến trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạo ra áp lực bán mạnh. Dầu WTI tiếp tục ghi nhận đà giảm, và xuống đã đánh mất gần 8% giá trị trong tuần.
Giá xăng có thể được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành tới đây. (Ảnh minh hoạ)
Dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trên thị trường Singapore tính đến 2/2, giá xăng A92 là 95,7 USD/thùng, xăng A95 là 99,1 USD/thùng, dầu diesel 108,9 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/1 đến ngày 30/1.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong khoảng thời gian này là 98,859 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 và 102,269 USD/thùng xăng RON95.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo nếu giá dầu thế giới giữ nguyên mức giá như hiện tại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo quy định, ngày 11/2 mới đến kỳ điều giá xăng dầu tiếp theo nên việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới những ngày sắp tới và việc điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG).
Ở kỳ điều hành gần nhất, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ 18h ngày 30/1 theo hướng tăng giá đồng loạt các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 tăng 990 đồng/lít lên 23.140 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 970 đồng/lít lên 22.320 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, lên 22.520 đồng/lít. Dầu hoả là 22.570 đồng, tăng 770 đồng và dầu mazut là 13.930 đồng/kg, tăng thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.
Thị trường xăng dầu trong nước gần đây liên tục ghi nhận diễn biến nóng khi liên tục có những kiến nghị, góp ý xung quanh việc sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng, địa phương và các bộ ngành.
Theo đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, quy định về quản lý xăng dầu hiện có nhiều nội dung chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Cụ thể, quy định về chiết khấu đang có phân biệt giữa các doanh nghiệp. Theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ doanh nghiệp vẫn phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thời gian qua, do phải chịu mức chiết khấu 0 đồng nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng. Nhưng dù lỗ thì các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác.
Điểm bất hợp lý nữa là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính mình. Còn doanh nghiệp bán lẻ mặc dù là ký làm đại lý cho họ nhưng không trực thuộc họ mà tự hạch toán doanh thu, lỗ lãi, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không có chiết khấu cho khách dẫn đến mất khách hàng.
Khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá, điều này khiến doanh nghiệp bán lẻ dễ đóng cửa.
Thêm nữa, việc mua hàng từ thương nhân nhập khẩu, phân phối cũng có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Hiện thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ nhưng được lấy hàng từ nhiều nơi, còn thương nhân bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nơi. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ muốn lấy hàng nơi khác thì phải thanh lý hợp đồng, xử lý, bồi thường các bảng biểu và logo liên quan, phải đăng ký giấy đủ điều kiện kinh doanh với sở Công Thương…Nhưng do quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi nên nếu có chuyển qua nhà cung cấp khác một thời gian thì cũng bị chèn ép như vậy.
Doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, về quan hệ giao dịch và luôn ở vào thế bất lợi. Chưa kể các chi phí phát sinh, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng chỉ được mua hàng của một đầu mối, được thể hiện rõ trong giấy đủ điều kiện kinh doanh. Việc này tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối có quyền đưa ra các quy định về chiết khấu không phù hợp với doanh nghiệp bán lẻ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ thấp, thậm chí là không có.
Bộ Công Thương đề xuất để cây xăng được lấy hàng từ nhiều nguồn
Tại tờ trình gửi Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 83/NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đồng ý để các đại lý xăng dầu được mua từ nhiều nguồn, thay vì bảo lưu quan điểm chỉ được mua từ một nguồn như quy định hiện nay (có thể giới hạn từ 2-3 nguồn).
Bộ Công Thương lựa chọn phương án này với lý do nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng.
Trong khi đó, thương nhân phân phối chỉ được mua từ 3 nguồn (đầu mối), không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác.
https://vtc.vn/dau-the-gioi-len-80-usd-thung-gia-xang-trong-nuoc-se-ra-sao-ar740226.html