Cả nước hiện có 4.160 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại giao cắt với hệ thống đường sắt, cả ngàn người thương vong từ tai nạn đường sắt giao với đường dân sinh.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dự thảo đề án "Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia". Việc lập đề án nhằm đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt đến năm 2020; tiến tới hạn chế, không phát sinh và năm 2025 xóa bỏ lối đi tự mở, kiểm soát các đường ngang.
Tai nạn chực chờ
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết hiện trên các tuyến đường sắt quốc gia có 4.160 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại.
Theo tổng hợp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ năm 2013-2017, cả nước đã xảy ra 1.913 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm chết 879 người, bị thương 1.174 người. Từ năm 2005-2017, số vụ tai nạn xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ tai nạn đường sắt.
Các địa phương có số vụ tai nạn xảy ra còn cao gồm: Yên Bái, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên, Hà Nội.
Trước nguy cơ tai nạn cao, ngành đường sắt đã tổ chức thu hẹp, rào chắn nhiều lối đi tự mở và bàn giao cho địa phương quản lý. Thế nhưng, đến cuối tháng 7-2018, đã có 119 lối đi này bị người dân mở lại.
Một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào tháng 5-2018. (Ảnh: Nam Trinh)
Bộ GTVT lý giải rằng bên cạnh thực trạng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia còn yếu kém, lạc hậu khi nhiều vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tại các đường ngang hợp pháp có 86% không đủ tiêu chuẩn; còn quá nhiều giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, đặc biệt là các lối đi tự mở; hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan bảo vệ hành lang ATGT đường sắt, các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT vẫn chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh.
Điều đáng nói là ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân dọc hai bên đường sắt và của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao; sự tuân thủ và chấp hành nội quy lao động của một số nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu yếu kém; thiếu sự quan tâm của một số địa phương đối với công tác bảo đảm ATGT mà pháp luật đã quy định... là những nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT đường sắt.
7 nhóm giải pháp
Để giải quyết thực trạng trên, đề án đưa ra 7 nhóm giải pháp. Về giảm, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở, Bộ GTVT đề nghị thực hiện rào ngay các lối đi tự mở mà không phải xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường gom...), đồng thời có đủ điều kiện để người và phương tiện giao thông đi theo các lối đi khác. Với biện pháp này sẽ xóa ngay được 462 lối đi tự mở.
Với lối đi tự mở có bề rộng lớn hơn 3 m và mật độ giao thông thấp, Bộ GTVT đề nghị thu hẹp 239 lối đi tự mở chỉ còn 2 m để hạn chế phương tiện cơ giới, làm giảm nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
Đối với các lối đi tự mở vào một số hộ dân mà không thể xóa được, Bộ GTVT đề nghị bố trí đất tái định cư để di dời các hộ dân này kết hợp xóa bỏ lối đi tự mở.
Với các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu, đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; các điểm nguy hiểm, cần xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ. Với giải pháp này sẽ giảm được 1.139 lối đi tự mở, sẽ phải xây dựng mới dự kiến 179 đường ngang, 29 hầm chui qua đường sắt, 2 cầu vượt.
Theo Bộ GTVT, khái toán kinh phí thực hiện xử lý các vị trí lối đi tự mở và hành lang ATGT đường sắt để bảo đảm ATGT trên đường sắt quốc gia là gần 7.400 tỉ đồng.
Tại cuộc họp bàn giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt mới đây, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết nguyên nhân xảy ra TNGT đường sắt chủ yếu là do thiếu nguồn lực để thực hiện các giải pháp.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856 và sau này thay thế bằng Quyết định 994 để lập lại hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và đều có các giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, vốn ngân sách bố trí khá hạn hẹp...
Cần ưu tiên vốn cho đường sắt
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, để đề án khả thi, cần phân định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, kể cả cơ quan quản lý nhà nước; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt với chính quyền địa phương.
Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng phê duyệt đề án, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn để tiếp tục thực hiện kế hoạch theo Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cận cảnh chuyến tàu rời ga ở Hà Nội chỉ với 2 vị khách nước ngoài, lỗ 10 triệu đồng/ngày Hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, thuận tiện hơn khiến đường sắt nhiều năm qua ngày càng thưa vắng khách, như tuyến đường ... |
Đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ làm trước 600 km Đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 58 tỷ USD sẽ khai thác trước 600km đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang – ... |
Đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - một thập kỷ tranh cãi Thất bại sau khi trình Quốc hội năm 2010, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tiếp tục ... |
Dự án đường sắt cao tốc 58 tỷ USD sẽ trình Quốc hội năm 2019 Tàu tốc độ cao chạy trên đường ray tối đa 320 km mỗi giờ và giá vé giai đoạn đầu bẳng 50% vé máy bay. |