Được mệnh danh là đệ nhất thần đồng Trung Quốc nhưng ở tuổi 38, Ninh Bạc quyết định tìm lối thoát nơi cửa Phật.

Sinh năm 1965 ở Giang Tây, Trung Quốc, Ninh Bạc được coi là thế hệ thần đồng đầu tiên của đất nước tỉ dân. Dù tài năng và nổi tiếng nhưng cuộc đời anh không tránh được những bi kịch.

Đệ nhất thần đồng

Ninh Bạc khiến nhiều người ngỡ ngàng khi chưa đầy 3 tuổi đã thuộc hàng chục bài thơ. Tròn 3 tuổi, Ninh Bạc đếm thành thạo 100 số và thuộc làu hơn 400 ký tự chữ Trung Quốc.

Vì xuất sắc hơn các bạn đồng trang lứa nên 5 tuổi, Ninh Bạc được tuyển thẳng lên tiểu học. Lên 6 tuổi đệ nhất thần đồng có thể bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Vốn được thiên phú tài văn chương nên việc làm thơ với Ninh Bạc là chuyện nhỏ. Anh còn đọc thuộc chuyện "Thủy hử" và nhớ kỹ đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Ninh Bạc chơi cờ cùng Phó Thủ tướng Phương Nghị. (Ảnh: Sina)

Ninh Bạc chơi cờ cùng Phó Thủ tướng Phương Nghị. (Ảnh: Sina)

12 tuổi, Ninh Bạc trở thành tâm điểm của truyền thông khi thắng Phó Thủ tướng Phương Nghị 2 ván cờ vây. Hình ảnh thần đồng đến từ Giang Tây phủ khắp các mặt báo và truyền hình.

Một năm sau, Ninh Bạc được đặc cách vào lớp học dành riêng cho nhân tài của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ tỉnh An Huy. Lớp học này có 21 học sinh nổi trội được lựa chọn khắp cả nước.

Nhiều người cho rằng lớp học đặc biệt sẽ là bước đệm để anh phát huy tài năng nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Tại ngôi trường mới, Ninh Bạc luôn thấy áp lực, gò bó vì phải học những môn bản thân không thích.

Ninh Bạc nói với giáo viên chủ nhiệm không có hứng thú với khoa học và công nghệ. Anh từng xin đến Nam Kinh học thiên văn nhưng nhà trường không đồng ý. Nguyên vọng của Ninh Bạc bị nhà trường từ chối với lý do: "Đã đến đây thì phải học ở đây. Hãy ngoan ngoãn và là tấm gương thật tốt cho các bạn noi theo".

Ninh Bạc không thích môn Vật lý. (Ảnh: Sina)

Ninh Bạc không thích môn Vật lý. (Ảnh: Sina)

Ninh Bạc phải tiếp tục ở lại trường học. Theo báo cáo kết quả năm đó, Ninh Bạc có điểm số thất thường, thậm chí nhiều môn không qua vì thấp điểm.

Vượt qua mọi chán nản, năm 17 tuổi, Ninh Bạc tốt nghiệp và trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất Trung Quốc. Sau đó, anh nhiều lần đăng ký thi nghiên cứu sinh nhưng đều bỏ cuộc.

Năm 1984, Ninh Bạc còn bị giám thị túm lấy cổ áo bắt làm bài thi, đến mức anh phải nói nếu tiếp tục ép buộc sẽ nhảy xuống đất, giám thị kia mới buông tay. Hành động của Ninh Bạc khiến mọi người thấy lạ.

Bi kịch của thần đồng

Những năm 1990, Ninh Bạc trở nên cô độc khi toàn bộ thời gian phải dành cho nghiên cứu, giảng dạy. Anh được bạn là Vương Ngọc giới thiệu một cô gái tên Lục Hoa Nhân xinh đẹp, dịu dàng và hiền thục.

Ngưỡng mộ tài năng của thần đồng, Lục Hoa Nhân nhiều lần viết thư tỏ tình với Ninh Bạc. Sau này, cô trở thành người yêu và vợ của Ninh Bạc. Nhưng cuộc sống hôn nhân không được hạnh phúc dài lâu. Từ khi Ninh Bạc luyện tập khí công, ăn chay, lại nảy sinh mâu thuẫn với vợ. 

Cuộc sống hôn nhân của Ninh Bạc rơi vào tuyệt vọng. (Ảnh: Sina)

Cuộc sống hôn nhân của Ninh Bạc rơi vào tuyệt vọng. (Ảnh: Sina)

Đỉnh điểm nhất khi thấy vợ ép con học để thành thần đồng như bố, anh phản đối gay gắt khiến hai vợ chồng suốt ngày cãi vã. Năm 1993, cảm thấy không thể sống trong căn nhà toàn tiếng mắng mỏ, la hét, Ninh Bạc bỏ nhà đi.

Hai năm sau, anh quyết định đến Hải Nam sinh sống một mình. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn vợ anh không nói rõ nguyên nhân ly hôn, cô chỉ nói: “Chuyện cũ tôi không muốn nhắc lại, nhưng tôi sẽ cố gắng làm theo điều Ninh Bạc đã dặn con chúng tôi: Hãy làm người bình thường chứ đừng làm thần đồng”.

Ở tuổi ngoài 30, Ninh Bạc không còn tạo ra kỳ tích như lúc nhỏ. Anh khiến mọi người thất vọng và nghi ngờ tài năng. Sau nhiều năm vật vã với cuộc sống áp lực từ chuyện công việc đến gia đình, Ninh Bạc quyết định đi tu khi 38 tuổi.

Ninh Bạc đi tu ở tuổi 38. (Ảnh: Sina)

Ninh Bạc đi tu ở tuổi 38. (Ảnh: Sina)

Anh chọn núi Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc để tu hành. Sau thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng Ninh Bạc cũng đạt được ước nguyện. Đệ nhất thần đồng cho biết: "Tôi đã nghiên cứu Phật pháp để giải quyết những muộn phiền trong cuộc đời mình".

Trong mắt nhiều người, quyết định đi tu của Ninh Bạc là sự đường đột, thiếu suy nghĩ nhưng với anh, đó là điều đúng đắn. Từ ngày xuất gia, Ninh Bạc cảm thấy như được giải thoát khỏi những áp lực bộn bề.

Mãi sau này người ta mới biết Ninh Bạc từng thấy hối hận khi đã tham gia lớp học thần đồng năm xưa. Những lời tung hô, sự kỳ vọng khiến anh không thể sống như người bình thường.

Nhìn lại cuộc đời của Ninh Bạc, ai cũng tiếc nuối, xót xa cho tài năng không được phát triển đúng cách. Ninh Bạc là trường hợp điển hình của việc "giành chiến thắng ở vạch xuất phát nhưng không thể nở nụ cười ở vạch đích".

https://vtcnews.vn/de-nhat-than-dong-duoc-ca-trung-quoc-ky-vong-tim-loi-thoat-noi-cua-phat-ar876559.html

Hiểu Lam / VTC News