Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhiều nghệ sĩ Việt Nam đang vi phạm pháp luật nhưng mức phạt cao nhất chỉ 80 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Cơ quan này đề xuất “cấm sóng” với nghệ sĩ vi phạm.

antdvn-cam-song-8757-1013
Một hình ảnh trong MV cổ xúy tự tử của Sơn Tùng gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện có thực trạng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục liên quan đến hoạt động biểu diễn, phát ngôn, quảng cáo… nhưng các quy định pháp luật hiện hành chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Bên cạnh đó, mặc dù Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành nhưng không hiệu quả vì không có chế tài xử lý.

Thời gian qua, vi phạm của các nghệ sĩ có thể dễ dàng thấy như: phát hành MV cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực giới trẻ; đưa tin sai sự thật; quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng...

Mức phạt với mỗi hành vi vi phạm liên quan đến đưa tin sai sự thật chỉ từ 5-10 triệu đồng; mức phạt vi phạm về quảng cáo chỉ đến 80 triệu đồng, còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nghệ sĩ, người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn nên hành vi vi phạm pháp luật của họ sẽ ảnh hưởng không tốt đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, để chấn chỉnh, nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội nghiêm trọng bị phạt tiền, phạt tù.

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, các biện pháp “cấm sóng”, “cấm mạng”, “cấm diễn” được thực hiện nghiêm để ngăn chặn các vi phạm tương tự, không chỉ từng bước làm lành mạnh không gian mạng, mà còn hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ.

Do đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất, trước mắt, do chưa có quy định pháp luật nên sử dụng phương thức “khuyến nghị” hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chức năng cân nhắc hạn chế cấp phép, cấp văn bản chấp thuận các hoạt động nghệ thuật của người vi phạm; xây dựng Bộ Tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm của nghệ sĩ và người nổi tiếng (dựa trên những hành vi được nêu ra trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật). Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó,cơ quản quản lý nhà nước cũng sẽ thành lập hội đồng tư vấn để đánh giá, kết luận về các trường hợp vi phạm dựa trên Bộ Tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm của nghệ sĩ và người nổi tiếng, đề xuất áp dụng chế tài hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn lên cơ quan chức năng.

Với các trường hợp vi phạm, Cục đề xuất "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" ở các mức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc cấm vĩnh viễn tùy theo mức độ tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến xã hội.

Hà Linh / ANTĐ