Tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ Công an đề xuất cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”.
Sử dụng rượu bia - nhiều tác hại
Theo Bộ Công an, Bộ Y tế đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ” vào ngày 29/1, đồng thời lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam. Qua đó cho thấy, rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người, đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia.
Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra. Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%). Như vậy, tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não nói chung.
Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia (chiếm 51,28%, đối với 7 nhóm tội danh như: Giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ).
Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.
Phù hợp với điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam
Sử dụng rượu, bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm 2 nhóm. Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng.
Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù. Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia), đây là tỷ lệ rất đáng báo động. Rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu, bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội (hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu, bia). Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Theo Bộ Công an, nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc.
Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Với các lý do nêu trên, Bộ Công an đề xuất tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cần phải có quy định “nồng độ cồn bằng 0” khi điều khiển phương tiện để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội. Nếu cá nhân nào cũng thực hiện nghiêm thì xã hội hạn chế được các vụ tai nạn giao thông, hạn chế được số người chết và bị thương… Việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước khác, trong đó có nhiều quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định "nồng độ cồn bằng 0". Vì sao có quy định chặt chẽ như vậy, ông Quang cho rằng mỗi quốc gia đều có quy định riêng để đảm bảo pháp luật. Nếu chúng ta không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia, nếu chúng ta dung túng, chấp nhận có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu thì người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm được.