Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ gồm 8 chương, 61 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tiễn.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân.
Chương III Dự thảo đã quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó nêu rõ điều kiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp và thu hồi giấy phép lái xe.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe
Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông; bảo đảm an toàn giao thông khi có sự cố, tình huống đột xuất; bảo đảm trật tự ATGT tổ chức sự kiện trên đường bộ; kiến nghị về an toàn giao thông đối với công trình đường bộ; phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông…
Các nội dung trên lần đầu tiên được đề cấp nhằm cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
Mặt khác, tại Dự thảo Luật TTATGT đường bộ, việc giải quyết tai nạn giao thông đường bộ cũng được luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông với các quy định về: Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông; điều tra, giải quyết, thống kê tai nạn giao thông.
Đặc biệt, Dự thảo còn thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật với các quy định về: Nội dung, hình thức và lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát; dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát; phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Về quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ, theo Dự thảo, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước;
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ tại địa phương.
https://www.anninhthudo.vn/de-xuat-hang-loat-quy-dinh-moi-ve-dang-ky-cap-bien-so-xe-post536817.antd