Nhiều chuyên gia cho rằng nếu đề xuất lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM được Thường vụ Quốc hội thông qua, cần tăng phân cấp, phân quyền tạo động lực phát triển.
Hôm nay (9/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM và thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cùng các phường trực thuộc. Việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức cũng sẽ được xem xét.
Ông Bùi Văn Xuyền Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, hai đề án thành lập thành phố Thủ Đức và Phú Quốc đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra sau kỳ họp Quốc hội thứ 10.
"Đa số thành viên Ủy ban luật ủng hộ đề án bởi hai nơi này đều đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu để lập thành phố; đáp ứng yêu cầu phát triển mới ở địa phương", ông Xuyền nói.
Đề án chủ yếu tập trung nội dung nâng cấp về mặt hành chính. "Sau khi được nâng cấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho hai thành phố phát triển", ông Xuyền cho biết.
Quận 2 với trung tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là một phần của Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hữu Khoa |
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, tháng 11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh nằm trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ. "Chúng ta thành lập luôn chứ không chỉ dừng ở mức độ thí điểm thành phố Thủ Đức, vì trong luật đã cho phép", ông Tân nói.
Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính tại TP HCM được Bộ Nội vụ thống nhất, ba quận phía Đông thành phố là 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Thủ Đức có quy mô dân số hơn một triệu người, diện tích gần 212 km2, kỳ vọng trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy TP HCM và đông nam bộ phát triển.
Thành phố phía đông sẽ gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Đồ họa: Khánh Hoàng |
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, cho rằng Thủ Đức là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên ở Việt Nam. Căn cứ pháp lý để xây dựng mô hình này là Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định chính quyền địa phương ở đô thị bao gồm "thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương".
Nhấn mạnh TP HCM đã hội tụ đủ điều kiện về dân số, tự nhiên, trình độ phát triển... để xây dựng mô hình này, ông Dĩnh tin tưởng thành phố Thủ Đức sẽ tạo động lực phát triển cho cả vùng đông nam bộ. "Khu vực được đề xuất lập thành phố Thủ Đức đều là những quận mới, có điều kiện tốt về mặt bằng, dân số để quy hoạch một cách bài bản thành đô thị hiện đại".
Tuy nhiên, ông lưu ý, để Thủ Đức phát triển như kỳ vọng, TP HCM cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho "thành phố nhỏ". "Thành phố nằm trong thành phố khác với các quận trực thuộc nên cần có sự tự chủ nhiều hơn trong việc quyết định các chủ trương, chính sách phát triển.
"Đây là mô hình mới, dù đã có cơ sở pháp lý, các địa phương nên thận trọng khi đề xuất nhân rộng. Trước mắt, cần tập trung cơ chế, chính sách để phát triển Thủ Đức. Sau một thời gian thực hiện, TP HCM rút kinh nghiệm để chia sẻ với các đô thị khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...", ông Dĩnh đề xuất.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Nội vụ. Ảnh: VT |
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng nhận định mô hình thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM là mô hình mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình này khác với mô hình thành phố lớn nằm cạnh thành phố nhỏ thường thấy trên thế giới.
Ông dẫn chứng, thủ đô Paris (Pháp) ngày nay là tiểu vùng gồm nhiều thành phố, trong đó có thành phố Paris cổ và ba thành phố bao quanh. Các thành phố này vẫn phát triển theo định hướng thống nhất nhưng độc lập về hành chính, ngân sách.
Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cũng xây dựng khu Phố Đông theo mô hình "thành phố trong thành phố". Tuy nhiên, người đứng đầu khu Phố Đông được trao quyền hạn tương đương với Phó thị trưởng thành phố Thượng Hải. Vì vậy, Phố Đông có sự độc lập tương đối lớn để đề ra các chủ trương, chính sách phát triển, vươn lên thành trung tâm kinh tế mới của châu Á.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Nguyễn Đông |
Trong khi đó, thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM nên các quyết sách để phát triển nơi này vẫn phụ thuộc vào TP HCM. "Mô hình này phù hợp với cơ chế pháp lý của Việt Nam, nhưng không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy cả hai thành phố phát triển đột phá. Tính tự chủ của thành phố Thủ Đức không nhiều, các quyết sách về ngân sách, thu hút đầu tư đều phải thông qua TP HCM", ông Nam Sơn đánh giá.
Vì vậy, ông đề xuất trước mắt TP HCM nên xây dựng mô hình "thành phố trong thành phố" như ở Thượng Hải. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được trao quyền hạn tương đương với Phó chủ tịch UBND TP HCM, là người chịu trách nhiệm chính về các chính sách phát triển, thu hút đầu tư, ngân sách của "thành phố nhỏ".