GS.TSKH Trần Văn Nhung cho rằng, không có tiếng Anh chúng ta giống như người bị "thọt chân" đi không vững, rất khó gia nhập vào cuộc cách mạng 4.0.
Chia sẻ tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Đề xuất này nhằm mục đích để start up Việt vươn ra toàn cầu.
Ủng hộ đề xuất trên, GS. TSKH Trần Văn Nhung - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước nhấn mạnh, công cụ chiến lược của thời đại là Công nghệ thông tin và tiếng Anh. Trong đó, tiếng Anh là chìa khóa mở thành công cho các bạn trẻ.
Việc dạy học và sử dụng ngôn ngữ này hằng ngày là rất cần thiết, góp phần tham gia vào cuộc cách mạng 4.0. Giáo sư Nhung cũng là người gửi kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sự cần thiết của tiếng Anh cách đây ba năm.
"Nếu chúng ta thiếu tiếng Anh thì không thể gia nhập vào cuộc cách mạng 4.0 được, giống như một người bị “thọt chân” đi không vững", giáo sư Nhung ví von.
GS. TSKH Trần Văn Nhung ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: VOV)
GS Trần Văn Nhung "tạm" đề xuất một “công thức” để công dân toàn cầu ngày nay có thể tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó không thể thiếu tiếng Anh. Đó là: Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Công nghệ thông tin + Tiếng Anh tốt = Công dân toàn cầu thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Điều quan trọng nằm sâu sau công thức này là sự tinh thông nghề nghiệp, đạo đức và kỹ năng chung sống.
Để thực hiện vấn đề trên, giáo sư Nhung đề xuất nên cho học sinh cấp I và cấp II học thêm tiếng Anh, sau tiếng Việt. Lên cấp III, việc đưa tiếng Anh hay ngôn ngữ khác vào trường học phụ thuộc vào nhu cầu của học sinh, phụ huynh. “Tôi nghĩ, việc học tiếng Anh cần được nâng cao khi học lên các bậc cao hơn, nhưng điều này cũng tùy thuộc vào từng địa phương”, giáo sư Nhung nói.
Bên cạnh đó, các trường cần sớm giảng dạy các môn khoa học trực tiếp bằng tiếng Anh theo hướng từ đơn giản đến phức tạp.
Để lớn mạnh sánh vai với các cường quốc, Việt Nam cần chú trọng việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là lựa chọn đầu tiên, sau mới đến tiếng quốc tế khác. Thầy cô vừa dạy vừa học, sử dụng có chọn lọc chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế như các nước Singapore, Malaysia...
“Bằng nỗ lực của bản thân, tham khảo và tranh thủ hỗ trợ quốc tế, chúng ta sẽ từng bước xây dựng chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên tiếng Anh”, nguyên Bộ trưởng Giáo dục nói.
Đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam nhận được nhiều sự ủng hộ. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Trưởng ban Thông tin truyền thông, Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng cũng nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Tiến sĩ Ưng cho biết, không chỉ ông mà nhiều người từng đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Đây là cơ hội để Bộ Giáo dục triển khai sâu rộng vấn đề này, đây có thể là thực tiễn để Bộ giảm bớt các môn học không cần thiết và tập trung học tiếng Anh.
Vị tiến sĩ chỉ ra khó khăn khi đề xuất trên được triển khai, đó là tiếng Việt là đơn âm, tiếng Anh là đa âm. Tuy nhiên các nước khắc phục được thì Việt Nam cũng khắc phục được, hơn nữa, việc tạo môi trường sinh ngữ mới có thể dạy và tiếp nhận tiếng Anh tốt.
Theo TS Ưng, ngành công nghệ thông tin muốn tiếp cận 4.0 phải có tiếng Anh. Thực tế cho thấy, các nước ASEAN có chiến lược tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến, còn Việt Nam nếu không có quyết tâm lớn thì sẽ thua xa và hội nhập không được.
“Sử dụng tiếng Anh sẽ tiếp cận được công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin. Đặc biệt, có ngôn ngữ này sẽ giúp hợp tác quốc tế sâu rộng, mới trở thành công dân toàn cầu được”, TS Văn Đình Ưng cho hay.
Cách nói \'mẻ bánh\', \'miếng pizza\' bằng tiếng Anh "A batch of cakes", "a slice of pizza" là những danh từ tập hợp phổ biến trong giao tiếp tiếng Anh hàng ngày. |
Cách giảm gánh nặng môn tiếng Anh cho học sinh thi vào lớp 10 Theo hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, trước khi đến lớp, các em cần chuẩn bị tốt bài ở nhà, đọc kỹ sách giáo khoa ... |
Phần lớn sinh viên Việt Nam học tiếng Anh kiểu đối phó Nhiều sinh viên đặt mục tiêu hoàn thành các chứng chỉ tiếng Anh để đủ điều kiện tốt nghiệp nên kiểu học còn đối phó. |