Chuyên gia cho rằng "nói giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, không có giá trị thực tiễn".

Sau TP.HCM, đến Hà Nội khởi động lại chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ". PV VTC News đã nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Người dân nói họ phải đóng tiền để được sử dụng vỉa hè kinh doanh, cán bộ địa phương nói không có việc này, trong khi các chuyên gia cho rằng nói giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, không có giá trị thực tiễn.

“Làm luật” mới được dùng vỉa hè?

Chị Lê Thị Vi (*) (chủ quán cà phê trên đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, Hà Nội) nói, 6 năm kinh doanh quán cà phê, tháng nào chị cũng phải lo lót để được kê thêm bàn ghế bán ngoài vỉa hè. Theo chị Vi, nếu không lo lót, nhỡ bị kiểm tra thì cũng phải đóng khoảng 2 triệu đồng tiền phạt.

"Nói thật, lo lót để được báo tin, để biết trước về thời gian cụ thể tổ công tác đi dẹp vỉa hè. Khi lực lượng kiểm tra đi qua, sự việc lại đâu vào đấy. Những người buôn bán tự do, khi quan sát thấy những quán xung quanh dọn dẹp bàn ghế là biết ngay sắp có tổ công tác đi kiểm tra, ai chạy không kịp sẽ bị hốt", chị Vi nói.

Anh Ngô Việt Dũng (*), bán trà đá ở phường Mai Dịch, Hà Nội cho hay, muốn mở một mặt bằng bán trà đá vỉa hè không phải dễ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh, nếu muốn thì chọn chỗ nào không ảnh hưởng đến nhà dân, ngồi lỳ mấy ngày sẽ có người đến hỏi. "Lúc đó mình sẽ nói chuyện trực tiếp với đội trưởng quản lý khu vực đó", anh Dũng nói.

Theo anh Dũng, ngoài việc "đưa tiền hàng tháng cho phường", còn phải đưa "tiền mặt bằng" cho dân xã hội. "Tuy nhiên, vài năm trở lại đây không còn phải đóng cho xã hội nữa, nhưng tiền đóng mặt bằng cho phường cao hơn", anh Dũng nói. "Hàng tháng quán tôi phải đóng từ 300.000 - 500.000 đồng. Đây là việc bất di bất dịch, nếu không đóng sẽ rất khó bán hàng ở đây vì thường xuyên đội của phường sẽ đến kiểm tra".

Những người buôn bán trên vỉa hè hầu như đều nhận thức việc lấn chiếm vỉa hè là phạm luật, nhưng họ nói cũng cực chẳng đã, vì mưu sinh. Chủ cửa hàng bán hoa Anh Tú trên đường Nguyễn Phong Sắc thừa nhận việc kê thêm kệ chiếm vỉa hè để mở rộng cửa hàng là sai nhưng chị vẫn làm vì "bất đắc dĩ".

"Tất cả các cở sở kinh doanh ở đây đều lấn chiếm vỉa hè để mở rộng mặt bằng kinh doanh, nếu tôi không mở rộng theo sẽ rất khó bán được hàng. Vừa rồi lực lượng chức năng cũng đã đi dẹp. Tuy nhiên, được một chút các cửa hàng này lại bày bàn ghế, hàng hoá ra bán, tôi cũng phải mở theo", chủ cửa hàng nói.

Để tìm hiểu các thông tin về việc giành lại vỉa hè hay chuyện "đóng tiền cho phường" mà anh Dũng nói, PV VTC News đã liên lạc với ông Phạm Văn Lợi - Chủ tịch UBND phường Mai Dịch. Tuy nhiên, ông Lợi nói việc đó (liên quan đến vỉa hè - PV) đã "giao cho bộ phận khác, riêng mình đang rất bận".

Lần thứ hai, phóng viên đến tận UBND phường Mai Dịch đặt lịch làm việc và liên hệ thêm với ông Phạm Văn Lợi, tuy nhiên, ông Lợi nói bận họp. Trong ngày 17/3, phóng viên đã gọi cho ông Lợi bốn cuộc điện thoại, song cũng không thấy hồi âm.

Trao đổi với PV VTC News, Thiếu tá Đặng Đình Hoàn - Phó trưởng Công an phường Mai Dịch, nói trên địa bàn phường không có tình trạng bao che, lấy tiền làm luật từ các tổ chức hay cá nhân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

"Làm gì có chuyện người vi phạm lấn chiếm vỉa hè phải đóng tiền, dân nói gì chẳng được, để nghe được thông tin phản ảnh người dân về việc “làm luật”, các em phải xác minh thông tin, nguồn có chuẩn hay không. Đóng thì đóng cho ai, đóng như thế nào? Đóng thì làm sao mà xử lý được người vi phạm", Thiếu tá Đặng Đình Hoàn nói.

Dẹp kinh doanh vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, phi thực tiễn? - 1

Một số người dân nói với PV VTC News rằng họ phải "làm luật" để được kinh doanh trên vỉa hè

Nói giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan

Từ góc độ các nhà kinh tế, nhà nghiên cứu, việc "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" không phải lúc nào cũng mang lại những điều tích cực cho xã hội và cần phải nhìn nhận vấn đề này đa chiều.

TS Nguyễn Minh Phong - nguyên trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), cho rằng, nói giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, là "quan điểm chính trị", không có giá trị thực tế.

"Nếu người đi bộ không đi thì vỉa hè để phí, trong khi hoạt động kinh tế đang bị o ép. Thậm chí chỉ khi có kinh tế vỉa hè, hoạt động kinh doanh trên vỉa hè thì mới có người đi bộ, chứ hiện nay ít người đi bộ từ phố nọ sang phố kia, toàn đi xe", ông Phong nói.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, vỉa hè lộn xộn như hôm nay không chỉ do lỗi của người dân mà chính quyền cũng có trách nhiệm không nhỏ. "Nói đúng hơn, chính quyền yếu kém, buông lỏng trong quản lý, một số nơi bảo kê, làm luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến loạn vỉa hè", ông Phong nói.

Ông Phong cho rằng cần phải ứng xử với vỉa hè theo góc độ hài hòa lợi ích và các khía cạnh của đời sống thị dân.

"Trên thực tế, vỉa hè dành cho người đi bộ không nhiều lắm bởi người ta có đi bộ mấy đâu. Vỉa hè phù hợp, thuận lợi nhất hiện nay phải giải quyết được hai mục tiêu: thứ nhất là cảnh quan, văn minh đô thị, người đi bộ; thứ hai là hỗ trợ hoạt động kinh tế của người dân trong bối cảnh thất nghiệp đang rất nhiều, các hoạt động kinh tế đang khó khăn… không có vỉa hè thì kinh tế thương mại kém hiệu quả", TS Nguyễn Minh Phong nói.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cũng nhìn nhận rằng cần phải nghiên cứu sâu hơn vấn đề "giành lại vỉa hè", có những bước đi thận trọng.

"Hà Nội cần có giải pháp với số lượng lớn người dân đang "bám" vào vỉa hè để sinh sống. Phải tìm hiểu những người lấn chiếm vỉa hè là ai và tại sao họ lấn chiếm", ông Tạo nói.

Theo ông, về cơ bản có hai nhóm đối tượng lấn chiếm vỉa hè. Thứ nhất, người buôn bán từ nơi khác đến chiếm diện tích trên vỉa hè kinh doanh hoặc hộ kinh doanh tại chỗ lấn chiếm diện tích vỉa hè trước mặt tiền ngôi nhà. Còn nhóm thứ hai là những người bán hàng rong, xe đẩy lưu động.

Những người bán hàng rong, xe đẩy dựa vào vỉa hè để sống và có thể sau gánh hàng rong là cuộc sống của một gia đình. Đây là đối tượng nên được quan tâm để sắp xếp, hỗ trợ chỗ buôn bán. Đảm bảo sinh kế thì người dân sẽ sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ. "Quyết liệt nhưng cũng cần nhân văn, có lý có tình", ông Tạo nói.

Theo TS Khương Kim Tạo, xét  từ góc độ văn hóa, kể từ xưa nước ta luôn duy trì thói quen sinh hoạt cộng đồng ngoài trời nên vỉa hè còn là một chốn sinh hoạt đô thị. Những quán ăn hè phố đã đi sâu vào tiềm thức và trở thành tập quán, cũng là hồn cốt tạo nên bản sắc của những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Ông Tạo cho rằng, chính quyền nếu ra sức dẹp một cách máy móc tất cả những hoạt động đó thì sẽ không còn bản sắc văn hóa sinh hoạt đời thường của người dân. Vì vậy, chính quyền Thủ đô cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp cho việc kinh doanh trên vỉa hè, thậm chí là cho dân thuê vỉa hè giống như các nước phát triển để vừa đảm bảo văn minh đô thị vừa giữ được nét đặc trưng văn hóa.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà nên sắp xếp lại cho trật tự, theo các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian kinh doanh. Như vậy sẽ bảo đảm hài hòa giữa vấn đề mưu sinh của người dân và vấn đề trật tự, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng do hiện tượng lấn chiếm vỉa hè gây ra.

Ông Tùng cho rằng những khu vực vỉa hè có khả năng kinh doanh thì phải xây dựng đề án thí điểm cho thuê. Việc này phải thực hiện minh bạch, công khai trên nguyên tắc giữ gìn vỉa hè sinh động, sạch sẽ, không cần rộng nhưng phải ngăn nắp.

"Ví dụ tại Bangkok (Thái Lan), người bán hàng rong phải đăng ký và đóng tiền hàng tháng cho cơ quan quản lý đô thị để có thể buôn bán một cách hợp pháp. Nhiều tuyến đường bị cấm bán hàng rong trong giờ cao điểm để nhường đường cho người đi bộ", ông Phạm Thanh Tùng nói.

"Vỉa hè vẫn phải dành cho người đi bộ nhưng nên kết hợp hài hòa giữa các công năng để đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế đồng thời lợi ích xã hội không bị xâm hại. Chính quyền Hà Nội cần nghiên cứu thật kỹ để đưa ra quyết sách hợp lý", Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam góp ý.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Dẹp kinh doanh vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, phi thực tiễn? - 2

Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng dẹp vỉa hè đang bị chiếm dụng

Dẹp kinh doanh vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, phi thực tiễn? - 3

Vỉa hè là không gian ký ức, là nơi chốn tâm hồn

Từ xa xưa, vỉa hè đã là nơi diễn ra việc bán hàng ăn uống, nhu yếu phẩm, máy móc thiết bị, các dịch vụ sửa chữa, tiêu dùng, các hoạt động tài chính như đổi tiền, mua bán tem phiếu… Sau này thêm các hoạt động kinh tế khác như bán buôn đồ lưu niệm, trông giữ xe. Không chỉ có các hoạt động kinh tế tư nhân mà có cả hoạt động kinh doanh có tổ chức, không chỉ của tầng lớp bình dân mà cả của tầng lớp trung lưu, giàu có.

Cùng với kinh tế, vỉa hè còn là không gian sinh hoạt, nơi người dân tắm gội, giặt giũ, rửa rau, vo gạo, nấu nướng, luộc bánh chưng ngày tết, phơi quần áo...

Trước đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội chưa phát triển, những câu chuyện được lan tỏa bằng truyền miệng, vỉa hè chính là địa điểm để câu chuyện từ người này truyền đến người khác, các câu chuyện được chia sẻ, từ chuyện đời thường đến chuyện thời sự xã hội. Ví von thì đó là thông tấn vỉa hè, cập nhật và lan tỏa có khi còn nhanh hơn thông tin chính thống. Trong không gian này, con người bình đẳng hơn, thoải mái, tự tin hơn trong giao tiếp, trong bình luận mọi vấn đề của xã hội.

Vỉa hè còn là không gian ký ức, gắn với những kỷ niệm, món ăn quen thuộc, những câu chào hỏi, những phút giây bình yên ngắm phố phường, gắn với những con người, hàng cây như các chứng nhân của lịch sử. Tất cả đi vào ký ức, theo mỗi người trong suốt cuộc đời để luôn nhớ về khi đi xa.

Trong một chuyến công tác tại Canada, tôi gặp một phụ nữ gốc Hà Nội di cư sang đây từ năm 1954. Bà hỏi thăm rằng: “Ông ơi cây gạo ở vỉa hè chợ Mơ giờ còn không?”. Bà ấy say sưa miêu tả đường phố ngày xưa trong ký ức của bà. Điều này cho thấy vỉa hè, đường phố không chỉ là không gian thực thể mà còn là không gian ký ức, là nơi chốn của tâm hồn.

GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

https://vtc.vn/dep-kinh-doanh-via-he-cho-nguoi-di-bo-la-cuc-doan-phi-thuc-tien-ar749261.html

 

NHÓM PHÓNG VIÊN / VTC News