Nhiều người tự cho mình quyền đuổi, cấm người khác đỗ xe gần nhà mình, hoặc chiếm gần hết lòng đường khi nhà có việc; vì đâu mà chuyện vô lý đó phổ biến và kéo dài?

Nói về văn hóa giao thông của người Việt, không thể không nhắc đến tình trạng chiếm dụng không gian công cộng như vỉa hè, lòng đường, cản trở hoạt động của người khác, gây ùn tắc và thậm chí cả tai nạn. 

'Sổ đỏ kéo dài tận lòng đường'

Rất thường xuyên xảy ra tình huống, khi một chiếc ô tô đỗ lại sát vỉa hè (cái vỉa hè có bề rộng tới cả 2m), lập tức có người sống ở căn nhà mặt đường ấy chạy ra đuổi. Lý do được đưa ra khá bi hài: Nhà bán hàng, che khuất tầm nhìn, hoặc đơn giản là ảnh hưởng việc ra vào của phương tiện trong nhà (dù vỉa hè rộng tới 2m, xin nhắc lại như vậy).

Tình huống đơn giản thế thôi, nhưng khi đem ra “mổ xẻ”, dư luận nhanh chóng chia thành 2 phe ngược chiều, tranh luận gay gắt với nhau. Phe thứ nhất thì: "Nhà người ta chứ có phải là bãi đỗ xe đâu mà tùy tiện”, “Bỏ tiền ra thuê nhà để bán hàng mà mỗi ngày cứ có vài ông dừng xe trước cửa như thế thì nghỉ sớm”

Khi phát biểu như vậy, họ đang mặc định phần vỉa hè, lòng đường phía trước căn nhà nghiễm nhiên thuộc về người đang ở căn nhà đó, và họ có quyền ngăn người khác sử dụng. Một phần bởi vậy mà sinh ra những vụ đập phá ô tô người khác, hoặc sơn bẩn, cào xước, dán băng vệ sinh đầy xe... để trừng phạt việc "xâm phạm vỉa hè, lòng đường nhà họ". Mạng xã hội cũng đã không ít lần xôn xao, ầm ĩ về chuyện đóng đanh hay dựng hàng rào ở vỉa hè để không cho ô tô nhà nào đỗ lên.

Vì sao người ta mặc nhiên coi vỉa hè là 'của nhà mình'? - 1
 
 Chiếc ô tô bị "trút giận" khi đỗ trước một ngôi nhà.
 
Vì sao người ta mặc nhiên coi vỉa hè là 'của nhà mình'? - 2

Một gia đình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cắm đanh lên vỉa hè để ngăn ô tô đỗ.

Còn phe thứ hai bức xúc không kém: "Sổ đỏ nhà họ kéo dài ra tận mặt đường hay sao mà phách lối thế?”, “Không có biển cấm đỗ xe thì cứ đỗ thoải mái, sao lại cấm đoán, xua đuổi người ta?"... Bên nào cũng cho rằng mình có lý, và sự tranh cãi chưa bao giờ dừng lại. Tuy nhiên, trừ trường hợp xe đỗ quá vô duyên chặn đường ra của gia chủ, hoặc đỗ lâu cản trở giao thông, phần lớn mọi người không chấp nhận kiểu công tư lẫn lộn của những gia chủ kia.

 Chúng ta thường xuyên nhìn thấy bằng chứng của lối tư duy coi đường sá, vỉa hè là phần sân nối dài của nhà mình trên các con đường lớn nhỏ, từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường làng. Đó là những rạp đám cưới, đám giỗ nằm chình ình ngăn trở luồng giao thông, khiêm tốn thì chiếm trọn vỉa hè, ngang ngược thì chiếm đến nửa, thậm chí 2/3 lòng đường. Tấm biển "Nhà có việc, đề nghị đi lối khác" dựng ở lối đi được gia chủ coi là đủ để thể hiện sự văn minh, lịch sự. Gia chủ không cảm thấy mình sai, thậm chí cho rằng những ai phàn nàn, chê trách họ là không biết điều, hẹp hòi, ích kỷ. 

"Mấy khi nhà có việc, phải thông cảm chứ!", chữ "phải" trong lập luận này cho thấy rõ thông điệp của họ: Nếu ai bị ảnh hưởng đến công việc hoặc gặp phiền toái do cản trở giao thông thì phải tự hiểu, tự chịu.

Cần thêm sự hiện diện của nhà chức trách 

Những mâu thuẫn về việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường rất nhiều lần gây các cuộc tranh cãi bất tận trên mạng xã hội, nhưng hầu như đó chỉ là chuyện đấu khẩu qua lại giữa người dân. Sự tranh cãi không lần nào ngã ngũ khiến chủ đề này cứ trở đi trở lại, một phần do sự hiện diện của nhà chức trách còn chưa đủ.

Nếu các lực lượng, đơn vị chức năng giám sát chặt, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm thì vào mùa cưới, sẽ không có chuyện tài xế cứ đi một quãng lại "vấp" phải  một cái rạp chình ình lấn ra đường, nhiều khi phải phanh gấp vì những vị khách bước thẳng từ bàn từ bàn tiệc xuống lòng đường. Sẽ không có chuyện cộng đồng cứ phải ngậm bồ hòn quay xe tìm lối đi khác hoặc mất thời gian cãi nhau nếu nhà chức trách không dung túng cho những gia đình "có việc" đó theo kiểu thông cảm, nể nang. Sự thông cảm này có lẽ đến từ tiềm thức coi việc dựng rạp ở phần đường trước nhà mình là hợp tình lý, chấp nhận được.

Về cái vỉa hè ở đô thị, chuyện càng không đơn giản, nên càng cần sự rõ ràng từ phía cơ quan quản lý. Tranh cãi xung quanh vấn đề "sổ đỏ nối dài tận lòng đường" cho thấy, mỗi bên đều đứng ở lập trường đối nghịch, cách quá xa nhau. Ai cũng biết vỉa hè là của chung, không thuộc sở hữu của cá nhân nào. Nhưng sự tồn tại lâu bền của các hàng quán, bãi trông giữ xe... ở không gian này bao nhiêu năm qua cũng như những đợt "dọn dẹp" ngắn ngủi rồi đâu lại vào đấy khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: Liệu có quy định nào cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán, làm dịch vụ mà họ không biết không, nếu có thì những loại hình nào được phép, trong khoảng thời gian hay với điều kiện nào...? Việc quy định rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng đứng ra xử lý những tranh chấp, va chạm (nếu có) cũng rất cần thiết: Đó là cán bộ UBND phường hay lực lượng cảnh sát trật tự; nếu là công an thì là cấp quận hay cấp phường?

Cách để người dân nắm được các quy định đó không thể chỉ là phổ biến văn bản pháp luật trên không gian mạng, mà quan trọng là những người có trách nhiệm phải luôn có mặt để giải quyết khi có vi phạm hay xung đột xảy ra. Khi đã thông suốt về pháp luật, những bất cập, xung đột giữa “lý” với “tình” như chuyện đỗ xe vỉa hè sẽ có một hệ quy chiếu cụ thể, rõ ràng để giải quyết, cuộc sống đô thị sẽ văn minh hơn, tất cả sẽ đỡ tốn thời gian tranh cãi về những tình huống dễn ra hằng ngày.

Bằng không, những điều trái khoáy kiểu tự dựng hàng rào, cắm đinh nhọn ở không gian công cộng quanh nhà mình để ngăn ô tô dừng, đỗ sẽ còn tiếp diễn, gây bức xúc mà không có hồi kết!

https://vtc.vn/vi-sao-nguoi-ta-mac-nhien-coi-via-he-la-cua-nha-minh-ar742987.html

TRUNG HIẾU / VTC News