Những ngày qua, dư luận lại xôn xao về sự kiện hàng vạn người đổ xô đến chùa Ba Vàng để chiêm bái “xá lợi tóc của Đức Phật”. Và, hầu hết những người đến chiêm bái đều cầu mong được phúc đức, bình an và cả lợi lộc. Về việc này, dư luận có nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhưng cơ bản là phê phán thói u mê, cuồng tín của một bộ phận người Việt, đồng thời tỏ ý nghi ngờ về “sợi tóc biết chuyển động”. Ban Tôn giáo Chính phủ đã có chỉ đạo phải làm rõ sự thật về “sợi tóc của Đức Phật”.

Chiều 4/1/2024, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc đã có phiên họp tại trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thảo luận một số nội dung, trong đó có việc xem xét kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng về vụ việc trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật”.

Sau khi xem xét, căn cứ các thông tin, báo cáo, dư luận xã hội và tác hại của vụ việc, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã họp, thống nhất biện pháp kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh. Đại đức đã nhận lỗi trước Giáo hội, tăng ni và phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang. Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Giáo hội Phật giáo Việt Nam chấp nhận lời sám hối của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời yêu cầu Đại đức và chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm.

Phải chăng người Việt ngày càng mê tín -0
Xá lợi của các nhà sư.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thông tin tới báo chí, việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cái gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” cho người dân chiêm bái là chưa đúng quy định của luật về chủ thể, cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Việc tổ chức cho phật tử chiêm bái cái gọi là “xá lợi tóc Đức Phật'' chính là hoạt động triển lãm, vì vậy đã vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/2/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo giao Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP Uông Bí tiếp tục kiểm tra, làm rõ, củng cố hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các chủ thể có liên quan để xảy ra vi phạm theo quy định.

Liên quan tới việc này, Bộ Ngoại giao đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar xác định nguồn gốc về “xá lợi tóc Đức Phật” do Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami mang bảo vật “xá lợi tóc Đức Phật” tổ chức rước và trưng bày tại chùa Ba Vàng và công tác quản lý của nhà nước và Phật giáo Myanmar đối với “xá lợi tóc Đức Phật” này.

Nhưng thôi, việc tìm cho ra sự thật về sợi tóc chúng ta không nên bàn ở đây mà cái chính là qua việc người dân chen lấn nhau để chiêm bái sợi tóc, rồi cầu xin đủ mọi thứ mới là điều đáng bàn.

Có lần tôi sang Myanmar và tới thăm một vị cao tăng hàng đầu của Giáo hội Phật giáo Myanmar. Trong nhà vị cao tăng, tôi thấy có đến 3 chiếc tủ to, trong đó có hàng trăm chai, lọ, bình chứa xá lợi... Nhưng, điều tôi ngạc nhiên hơn cả là xá lợi ở đây cũng được bán thoải mái, như một loại hàng hóa nào đó.

Lại nói về chuyện người Việt ngày càng mê tín.

Trước hết, việc đông đảo người dân đến chiêm bái và cầu xin, cùng với hàng loạt việc tổ chức cầu cúng, dâng sao giải hạn, đốt vàng mã ngày càng phát triển đã chứng tỏ một điều là người Việt ta ngày càng u mê và tìm đến chỗ dựa là thần, Phật và các thế lực siêu nhiên... Điều này không phải xảy ra ở Việt Nam mà có ở hầu hết các quốc gia. Nhưng, điều đáng suy nghĩ là quốc gia càng phát triển thì việc người dân tìm đến các thế lực siêu nhiên càng nhiều. Như ở Italy chẳng hạn, số lượng thầy bói, thầy tử vi còn nhiều hơn các nhà khoa học... Còn ở các nước châu Á và Trung Đông, chuyện “nhờ vả” thế lực siêu nhiên đa dạng và phổ biến ở tất cả các lĩnh vực. Ngay ở Việt Nam ta, đố có đại gia nào khi khởi công, động thổ thực hiện một dự án mà lại thiếu nghi lễ mời pháp sư, thầy cúng, mời sư tăng đến làm lễ... Mà việc này, đâu chỉ có ở doanh nghiệp tư nhân mà có ở cả doanh nghiệp nhà nước.

Giải thích cho hiện tượng này không khó.

Đơn giản chỉ là vì con người ngày càng phải đối phó với lắm rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, từ tai nạn giao thông đến rủi ro trong công việc... Sự rủi ro đến với người ta bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào và bất cứ ai. Xã hội càng phát triển thì rủi ro đến với con người càng nhiều và để “giảm bớt rủi ro”, người ta không thể đến cầu xin chính quyền, mà phải tìm dựa các thế lực tâm linh với suy nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Bởi lẽ, thế giới tâm linh là nơi cho người ta hy vọng.

Phải chăng người Việt ngày càng mê tín -0
Tủ bày xá lợi các nhà sư tại nhà của một vị cao tăng.

Rồi một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa là một số nhà tu hành ngày càng xa rời đạo pháp và biến Phật, Bồ tát... thành những vị thần có thể mang lại tài lộc, bình yên, thậm chí mang lại chức sắc, quyền lực cho người chăm chỉ cầu cúng.

Gần đây, nhiều bậc cao tăng trong các bài giảng pháp của mình đều phản đối và phê phán rất nặng về sự u mê của người đời và cho rằng mọi người hiểu sai hết về tu hành, về đạo Phật và về giáo lý của Phật. Các bậc cao tăng đều khẳng định, Phật giáo không phải là tôn giáo mà chỉ là một trường phái giáo dục... Đức Phật chỉ là người thắp nên ngọn đuốc chỉ cho chúng sinh thấy con đường đi đến giải thoát mọi đau khổ, còn đi tới được hay không thì phải dựa vào ý chí và đôi chân của mỗi người. Phật không cho ai cái gì, không giúp ai cái gì và mọi sự cầu cúng, xin xỏ đều là vô ích. Phật dạy con người ta phải biết “tứ ân” là: Biết ơn bậc sinh thành ra mình, biết ơn Tổ quốc, biết ơn cộng đồng và cuối cùng mới là biết ơn Phật”.

Phật dạy chúng sinh phải biết sống lương thiện, có tấm lòng từ - bi - hỉ - xả và tu tập để tránh tham - sân - si. Nếu ai buông bỏ được ham muốn trần tục, tránh được tham - sân - si thì đó là Bồ tát, là Phật... Bởi Phật tính có trong mỗi người. Chỉ có điều, Phật tính trong chúng sinh bị che lấp bởi lòng tham, sự sân hận và sự ngu si. Vậy, tu là sửa mình để cho Phật tính phát lộ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và du nhập vào các quốc gia, Phật giáo đã hòa đồng sâu sắc vào phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ cúng ở bản địa. Ở Việt Nam thì càng thấy rõ điều này. Không ít nơi người ta thờ Phật, thần, thánh, mẫu... chung  một mái nhà. Thế là ta có thể thấy rõ khi cúng..., ban thờ Phật thì bày hương hoa, oản quả; ban thờ thánh thì chân giò, thủ lợn; ban thờ mẫu thì tiền vàng, đồ trang sức... Và, các nhà sư cũng ghép luôn tín ngưỡng thờ cúng bản địa với Phật giáo. Thế nên, mới có chuyện làm lễ dâng sao giải hạn ở chùa, làm lễ cầu siêu và đủ các loại lễ lạt khác theo yêu cầu nếu đệ tử và chúng sinh “đặt”...

Hòa thượng Tịnh Không, một vị cao tăng hàng đầu của Phật giáo thế giới đã kể câu chuyện rất hay trong một lần giảng pháp. Ấy là, có một vị thiền sư sau khi thiền và nhập đại định, linh hồn chu du xuống tận địa ngục. Thiền sư rất ngạc nhiên khi thấy trước cửa địa ngục có nhiều nhà sư đang xếp hàng, số lượng nhiều hơn các người làm đủ thứ nghề... Thiền sư hỏi phán quan rằng, tại sao các nhà sư phải xuống địa ngục nhiều thế thì được trả lời rằng: “Đó là những kẻ ăn chay nhưng nói dối, làm sai giáo lý của Đức Phật, lừa bịp người đời để đưa họ vào con đường u mê, tăm tối, cho nên phải xuống địa ngục”.

https://antgct.cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/phai-chang-nguoi-viet-ngay-cang-me-tin-i719961/

 

 

Nguyễn Như Phong / antgct.cand.com.vn