Người Việt có yêu nước không? Tất nhiên có, lịch sử dân tộc chứng minh hùng hồn cho chân lý này.
Người dân cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam trở về từ giải U23 Châu Á.
Người Việt cần cù lao động không? Tất nhiên có, quá trình dựng xây đất nước khẳng định điều đó.
Nhưng hãy đặt thêm câu hỏi, người Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác có yêu nước không và có cần cù lao động không? Sẽ không ai dám nói rằng họ không yêu nước và không cần cù lao động. Sự giàu có thịnh vượng của một quốc gia nói lên thực chất của sự cần cù lao động và năng lực sáng tạo.
Và hãy nhìn từ những giá trị của các quốc gia trên thế giới tạo ra, sẽ thấy rằng yêu nước không phải chỉ bằng những câu khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể, sản phẩm cụ thể. Với góc nhìn này, chúng ta sẽ thấy cần phải hành động nhiều để theo kịp thiên hạ.
Yêu nước là những hành động cụ thể có thể đong đếm, đo lường, cảm nhận được. Đó là những giá trị mà cá nhân, tổ chức tạo ra bằng trí tuệ và sức lực của mình, với mục đích cống hiến, phụng sự, phục vụ cho quốc gia, dân tộc.
Singapore được thế giới biết đến, tìm đến vì nổi tiếng là một hòn đảo xanh và sạch, đó là một giá trị định lượng được. Công dân của quốc đảo này nhận thức sâu sắc về bảo vệ môi trường và hành động tối thiểu của họ là không xả rác. Bhutan đưa việc bảo vệ rừng vào Hiến pháp với quy định 60% diện tích rừng bao phủ và họ đã làm được hơn thế nữa. Thế giới xem Bhutan là điển hình của bảo vệ môi trường, người dân của quốc gia nhỏ bé này tự hào về điều đó.
Yêu nước trước hết là yêu con người, nhưng biết bao nhiêu thực phẩm bẩn tấn công cộng đồng, những thứ đó làm suy yếu sức khỏe giống nòi. Mỗi công dân nước Việt cần nghiêm túc đánh giá về vấn đề này, để thay đổi nhận thức và hành động. Thực phẩm nuôi sống con người hằng ngày bị đầu độc bằng chính bàn tay con người thì không thể nói về lòng yêu nước.
Cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng xung kích của thời kỳ hội nhập, chiến thắng trên thương trường quốc tế là thể hiện lòng yêu nước. Nhưng tự kiểm điểm để thấy rằng, chúng ta còn thiếu vắng những tên tuổi sở hữu những sản phẩm có thương hiệu toàn cầu. Doanh nghiệp Việt còn cạnh tranh nhọc nhằn với các đối thủ nước ngoài ngay trên sân nhà mình, cho nên còn quá nhiều thách thức trước mắt. Hãy thể hiện lòng yêu nước bằng các sản phẩm sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đem đến sự giàu có cho đất nước và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Việc lớn này đặt lên vai các doanh nghiệp.
Cùng với cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học xả thân vì đất nước. Một phát minh khoa học có tầm nhân loại mang lại giá trị bằng vạn câu khẩu hiệu. Chúng ta có quá ít công trình khoa học có thể ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, vì vậy không thể chậm trễ hơn trong cuộc đua thời đại. Phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” diễn ra ngày 5.12.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nên chúng ta không thể bỏ lỡ”.
Đến nay, thấy lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau”...
Và, hành động thể hiện lòng yêu nước được đặt lên vai đội ngũ cán bộ công chức bằng những yêu cầu khẩn thiết và đòi hỏi cụ thể. Yêu nước là yêu dân, vì dân, “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” (Hồ Chí Minh). Đi ngược lại với điều này, không thể nói yêu nước.
Nhưng như thế chưa đủ, cán bộ lãnh đạo còn phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đó là sáng tạo ra những chính sách phù hợp, hiệu quả, chính sách thông minh là nguồn lực chính để đẩy đất nước “đi mau”, để “không thể bỏ lỡ”.
U23 Việt Nam đánh thức khao khát trở về của du học sinh Việt Nhiều du học sinh chia sẻ thành tích của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu ... |
U23 Việt Nam và nỗi khát khao một quốc gia cường thịnh Những hành xử hào phóng với U23 Việt Nam tưởng vì tình yêu bóng đá nhưng không chỉ thế, sâu thẳm trong trái tim mỗi ... |