Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông gây chết người do ô tô tông xe máy cố tình đi vào đường cao tốc xảy ra gần đây khiến người đặt câu hỏi, lái xe ô tô có phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi?
- Chạy vào làn ô tô, 2 người đi xe máy bị xe đầu kéo cán tử vong
- Va chạm với ô tô trên Đại lộ Thăng Long, nam thanh niên đi xe máy tử vong
Mới đây, tại Đại lộ Thăng Long (đoạn qua quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người tử vong tại chỗ.
Sáng 5-5, một ô tô khách chạy tuyến Thượng Lý (Hải Phòng) - Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) mang BKS 15F-001.XX, do anh T.V.L (SN 1994, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) điều khiển, đến Km4+00 trong làn cao tốc của Đại lộ Thăng Long thì va chạm với xe máy do chị N.T.V.A (SN 2000, trú tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc) điều khiển đi cùng chiều.
Cú va chạm mạnh khiến chị V.A ngã ra đường,tử vong tại chỗ, chiếc xe máy khiển bị hư hỏng nặng.
Tương tự, cách đây không lâu tại Long An, lái xe T.Q.T (30 tuổi, ở Trà Vinh) điều khiển xe tải di chuyển trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương theo hướng miền Tây – TP. HCM khi đi đến xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức đã va chạm với xe máy do ông T.H.V (61 tuổi, ở Cà Mau) điều khiển chạy ngược chiều tại làn đường dành cho xe ô tô khiến ông V thiệt mạng.
Sau những vụ tai nạn nghiêm trọng trên, nhiều người cho rằng dù người điều khiển xe máy đã tử vong nhưng lỗi thuộc về chính họ vì cố tình đi vào đường cấm (đường cao tốc) nên lái xe ô tô gây tai nạn không phải bồi thường.
Hiện trường vụ tai nạn tại Đại lộ Thăng Long (đoạn qua quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Tuy vậy, một số cá nhân khác lại cho rằng, ô tô được coi là nguồn nugy hiểm cao độ nên khi xảy ra tai nạn lái xe phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khoản 6, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Song theo Điều 601 BLDS 2015 và Nghị quyết 02/2022/HĐT, ô tô được xem là “nguồn nguy hiểm cao độ” nên chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết...
Như vậy, khi xảy ra va chạm giữa ô tô và xe máy, về nguyên tắc, chủ sở hữu, người điều khiển xe ô tô phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp việc nạn nhân tử vong hoàn toàn do lỗi cố ý của họ.
Để có căn cứ xác định lỗi của người điều khiển ô tô, cơ quan chức năng sẽ xác định họ có chú ý quan sát, giữ đúng khoảng cách theo quy định, đã đi đúng tốc độ, đúng làn đường chưa hay có vi phạm nồng độ cồn không…
Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xác định ai là chủ sở hữu. Nếu người điều khiển xe không phải chủ sở hữu thì cần xác định chủ sở hữu giao xe đúng luật hay không, các bên có thỏa thuận gì về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn…
Cũng theo luật sư Hồng Vân, nếu nguyên nhân dẫn đến tai nạn do lỗi cố ý của người điều khiển xe máy khiến việc va chạm là điều bất khả kháng, người lái ô tô không thể lường trước được mặc dù vẫn tuân thủ đúng quy định giao thông thì lái xe ô tô không phải bồi thường thiệt hại.
Ngược lại, người điều khiển xe máy phải bồi thường cho chủ xe ô tô nếu có thiệt hại xảy ra và người này yêu cầu bồi thường. Nếu người gây ra tai nạn đã chết và có tài sản để lại thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.