Nhiều thương vụ được Shark Thủy rót tiền đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam đến nay đã thất bại.

Trước khi dính vào hàng loạt lùm xùm tài chính, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup kiêm Apax Holdings (công ty mẹ của chuỗi trung tâm anh ngữ Apax Leader) - từng nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư khách mời trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

Ngay mùa đầu tiên, ông Thủy trở thành "cá mập" chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017 - 2019), Shark Thủy đồng ý rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tuy vậy, hầu hết dự án nhận vốn từ Shark Thủy đều sớm nở chóng tàn. 

Soya Garden

Soya Garden được coi là “con cưng” của Shark Thủy khi nhận được số vốn lên tới 15 tỷ đồng, bao gồm quyền kiểm soát tài chính của doanh nghiệp lẫn sở hữu 45% cổ phần với 4 tỷ đồng và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu. Lộ trình hoàn vốn được Shark Thủy đưa ra là 3 năm.

Thời hoàng kim, Soya Garden từng mở tới 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. (Ảnh: Zing).

Thời hoàng kim, Soya Garden từng mở tới 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. (Ảnh: Zing).

Ngoài ra, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ được cam kết tiếp cận tệp khách hàng hiện có của hệ thống giáo dục Apax English và các trung tâm làm đẹp.

Start up F&B này được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn. Công ty CP Soya Garden được thành lập vào tháng 10/2015, tiền thân là công ty TNHH Omotenashi.

Trước khi gọi vốn trên sóng truyền hình, 2 cửa hàng trong năm đầu tiên vận hành của Soya Garden thu về 3,6 tỷ đồng. Doanh số hàng tháng của 10 cửa hàng vào năm 2017 dao động 250 - 300 triệu đồng, tức trung bình 8 - 10 triệu đồng/ngày. Song lợi nhuận doanh nghiệp gần như bằng 0.

Sau khi nhận được đầu tư từ shark Thủy, Soya Garden nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng vào tháng 3/2018 và một năm sau lên mức 100 tỷ đồng. Nguồn vốn này phần lớn đến từ Tập đoàn Egroup của shark Thủy.

Thời kỳ đỉnh cao, chuỗi này từng mở tới 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, Soya Garden đóng cửa hàng loạt chi nhánh do chịu tác động của đại dịch COVID-19. 

Hiện Soya Garden chỉ còn duy trì cửa hàng cuối cùng tại 117 Ô Chợ Dừa (TP Hà Nội). Đến tháng 5/2023, chuỗi này mở thêm 1 cửa hàng tại Hàng Thùng nhưng sau đó cũng dừng hoạt động. Đầu tháng 3/2024, cửa hàng cuối cùng của Soya Garden không còn xuất hiện.

We Escape

Ngoài Soya Garden, một startup đình đám khác được Shark Thủy đầu tư là We Escape. Đây là mô hình trò chơi giải đố, vượt chướng ngại vật trong không gian kín.

Shark Thủy đi ngược quan điểm của các nhà đầu tư khác và quyết định rót 5 tỷ đồng nhằm sở hữu 36% cổ phần. Tương tự Soya Garden, vốn đầu tư thực tế cho We Escape cao gấp nhiều lần và lên tới hơn 30 tỷ đồng.

Ông Thủy khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Ông Thủy khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Đến năm 2021, We Escape sở hữu 8 cơ sở và trở thành hệ thống Escape Game lớn nhất cả nước. Dẫu vậy, cuối năm này, dự án chính thức tuyên bố đóng cửa do dịch bệnh hoành hành.

Theo CEO Nhân Vương, sau 2 năm gồng gánh, We Escape đã làm hết những gì có thể. Dẫu vậy, chi phí mặt bằng quá lớn kèm tình trạng các cơ sở giải trí chưa được mở khiến dự án hệ thống lao đao. Bản thân ban lãnh đạo tại công ty cũng chịu cắt lương trong vòng 2 năm dịch.

Pema - Nhà hàng Chay

Thương vụ này Shark Thủy thỏa thuận đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần của start up chuyên về nhà hàng chay do Lâm Thị Hoài sáng lập.

Tháng 11/2021, nhà hàng chay Pema tại TP Yên Bái thông báo dừng hoạt động. Facebook của nhà hàng chay Pema tại TP Hà Nội cũng không còn được cập nhật thường xuyên.

Luxstay

Một thương vụ cũng được Shark Thủy chọn là Luxstay. Xuất hiện tại mùa 3 năm 2019, nền tảng kết nối chủ nhà và người thuê ngắn hạn (mô hình homestay) này gọi vốn thành công 6 triệu USD từ shark Nguyễn Thanh Việt (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Intracom), shark Phạm Thanh Hưng (Phó chủ tịch Cengroup), shark Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Egroup). 

Luxstay cũng chỉ tỏa sáng trong phút chốc với việc mời Sơn Tùng M-TP làm đại sứ thương hiệu, trước khi lay lắt sau làn sóng COVID-19.

Năm 2019, ca sĩ Sơn Tùng M-TP đầu tư vào Luxstay. (Ảnh: Đầu tư).

Năm 2019, ca sĩ Sơn Tùng M-TP đầu tư vào Luxstay. (Ảnh: Đầu tư). 

Văn phòng đại diện của Luxstay tại TP.HCM hiện trong tình trạng "Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại", theo Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Fanpage Luxstay không còn, trang web đã hoạt động trở lại nhưng khi đặt phòng hoặc đặt vé trên đây, người dùng sẽ được chuyển tiếp đến các đối tác của Luxstay như Agoda hay Trip.

Ngoài các dự án kể trên, một số startup khác được Shark Thủy hậu thuẫn như Xe lăn đa đăng VH (cùng góp vốn với 2 nhà đầu tư khác để đổi 1 tỷ đồng cho 36% cổ phần), Magic Book (đầu tư 550.000 USD cho 30% cổ phần) cũng sớm biến mất trên thị trường.

Theo VTC News